Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ) đã công bố BCTC hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2022. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý IV tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021 lên 2.036,7 tỷ đồng, giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 1.119 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng 19% lên 917,5 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 51,7% xuống 27,8 tỷ đồng; lỗ trong công ty liên kết gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 11 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ghi nhận 699,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 448,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, quý IV của VNZ báo lỗ sau thuế 547,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 267,6 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.800,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lỗ sau thuế 1.315,4 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Giải trình về kết quả kinh doanh, VNZ cho biết do các công ty trong nhóm tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới như Mỹ La Ting, các nước Ả Rập, châu Phi. Ngoài ra, chi phí khác tăng cao do ghi nhận lỗ từ thanh lý tài sản (máy chủ, linh kiện, phụ tụng và thiết bị công nghệ thông tin), loại bỏ một số sản phẩm trò chơi không đạt kết quả trong hoạt động như kế hoạch dẫn đến sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản VNZ tính tới 31/12/2022 giảm nhẹ xuống 9.092 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chiếm 52,6% với 4.779 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 6% lên 2.615 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 82% xuống 465 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 25,3% xuống 88,3 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng dài hạn dở dang tăng gần 5 lần lên 1.039 tỷ đồng; Đầu tư vào công ty liên kết tăng 4,5 lần lên hơn 1.230 tỷ đồng, trong đó, VNZ đã đầu tư vào Tiki Global hơn 510 tỷ đồng, vào Dayone hơn 138 tỷ đồng, đầu tư Rocketeer với 33 tỷ đồng, Ecotruck gần 81 tỷ đồng, Beijing Youtu 35,3 tỷ đồng...
Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Các khoản đầu tư khác vào Telio, Funding Asia, và Ecotruck cũng đều lỗ.
Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ của cổ đông không kiểm soát 457 tỷ đồng nhiều khả năng đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Thời điểm 31/12, khoản đầu tư vào Zion ghi nhận hơn 2.963 tỷ đồng, tăng 1.082 tỷ đồng sau một năm. Hiện tại, VNG đang nắm giữ 69,98% cổ phần của Zion.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 29% lên 3.758,4 tỷ đồng; trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.755 tỷ đồng; xuất hiện khoản vay nợ ngắn hạn với 44,4 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 130% lên hơn 590 tỷ đồng.
Mặc dù làm ăn xuống dốc nhưng cổ phiếu VNZ liên tục tăng thăng đứng. Trên thị trường chứng khoán, tạm tính đến giao dịch sáng 7/2, cổ phiếu VNZ đã có liên tiếp 5 phiên tăng trần, khối lượng tiếp tục là 100 cổ phiếu giống như 4 phiên trước.
100 cổ phiếu VNZ được khớp lệnh ở mức giá trần 587.500 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch hơn 59 triệu đồng.
Đây được xem là cổ phiếu đắt đỏ hàng đầu sàn chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, hiếm có mã nào vươn lên thị giá trên 500.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó một số mã đứng ở mức cao như ROS (FLS Faros, giá 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017), YEG (Yeah1, giá 343.000 đồng vào năm 2018), L14 (Licogi 14, giá 382.580 đồng/cổ phiếu vào năm 2022)...
Như vậy, với giá 587.500 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch sáng 7/2, cùng với hơn 35,84 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa cổ phiếu VNZ đã cán mốc trên 21.000 tỷ đồng.
Trước đó mã VNZ được chính thức chào sàn UPCoM từ ngày 5/1, với mức tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, suốt hơn 1 tháng, VNZ không xuất hiện bất kỳ giao dịch nào. Bên mua liên tục dồn lệnh nhưng không có bên bán.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm cổ đông lớn nhất là VNG Limited - thành lập ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ) giữ 61,1%. Tiếp đến là Công ty cổ phần công nghệ BigV giữ 5,7%. Cuối cùng là ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, cựu chủ tịch - nắm 12,3%.
Vốn hóa tăng mạnh, với hơn 3,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, khối tài sản chứng khoán của riêng ông Lê Hồng Minh cũng tăng lên mốc hơn 2.000tỷ đồng. Tài sản của nhiều cổ đông khác cũng vụt tăng.