Dân Việt

Cảnh báo xâm nhập mặn sớm, nông dân Vĩnh Long tích cực ứng phó

TH 07/02/2023 13:30 GMT+7
Theo dự báo, từ nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3, khả năng xâm nhập mặn tại vùng giữa ĐBSCL là khá cao. Ngay từ lúc này, người nông dân các huyện của tỉnh Vĩnh Long đã nhanh chóng có các giải pháp ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn sớm.

Cảnh báo xâm nhập mặn sớm, nông dân Vĩnh Long tích cực ứng phó

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, nếu việc xả nước hạn chế ở thượng nguồn tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và tháng 3 là rất cao. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ; các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, trong tháng 2, mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 45 - 60km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50 - 65km.

Theo ngành chức năng, dự báo đợt xâm nhập mặn tiếp theo, nước mặn nồng độ sẽ cao và đi sâu hơn. Do đó, việc chủ động tích trữ nước ngọt và thực hiện các giải pháp sẽ giúp ứng phó tốt với thiên tai xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ việc sản xuất nông nghiệp cũng như việc sử dụng nước sinh hoạt cho người dân.

Độ mặn tăng cao, xâm nhập theo kỳ triều cường rằm tháng Giêng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, vào sáng ngày 3/2/2023, tại cống Nàng Âm, độ mặn xâm nhập theo kỳ triều cường rằm tháng Giêng âm lịch được ghi nhận ở mức 4,4‰, tăng hơn 1,7‰ so với ngày trước.

Bên cạnh đó, 5 điểm đo độ mặn còn lại được ghi nhận ở mức từ 0,1 - 2,3‰, gồm: vàm Rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) 0,1‰; trạm Đồng Phú (huyện Long Hồ) 0,1‰; vàm Quới An trên sông Cổ Chiên 2‰; trạm Tích Thiện 2,3‰; trạm Trà Ôn là 0,5‰, trạm Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) 1,3‰. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và khuyến cáo người dân đóng cống bộng nếu độ mặn vượt trên 1‰.