Ngày 1/2, người của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đến kho lưu trữ hồ sơ phát hiện hồ sơ, tài liệu đựng trong 60 thùng đã không còn. Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, xác minh.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định L.T.L. (sinh năm 1989, cán bộ văn thư của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa) đã bán số tài liệu trên cho người mua phế liệu với giá 9 triệu đồng.
Hồ sơ tài liệu mà L.T.L. đem bán được lưu từ nhiều năm trước. Số giấy tờ này đã được cơ quan công an thu hồi.
Cơ quan công an đang xem xét hành vi vi phạm của L.T.L theo Điều 342, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc nữ cán bộ văn thư bán một số lượng lớn tài liệu của cơ quan nhà nước thu lợi số tiền 9 triệu đồng là chuyện khá bất ngờ với nhiều người và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ mục đích của cán bộ văn thư lưu trữ, xác định rõ đặc điểm của loại tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, trong số tài liệu bị bán có tài liệu mật, có thể sẽ xử lý hình sự người vi phạm về tội Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước.
Trường hợp các tài liệu đó không phải là tài liệu mật nhưng là hồ sơ lưu trữ còn trong thời hạn, việc mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 342 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài liệu đã bị bán đi thuộc danh mục tài liệu nào, quy định về lưu trữ đối với loại tài liệu đó ra sao, động cơ mục đích của cán bộ văn thư là gì? Có phải bán hồ sơ tài liệu để kiếm lời hay là để che giấu hành vi vi phạm pháp luật?
Trong trường hợp không chứng minh được động cơ là để che giấu tội phạm, nữ cán bộ văn thư vẫn có thể bị xử lý hình sự theo điều 342 Bộ luật hình sự với chế tài tới 2 năm tù.
Nếu để thực hiện hành vi trái pháp luật, chế tài có thể tới 5 năm tù. Còn trường hợp trong số tài bị bán nếu có tài liệu mật, sẽ bị xử lý với tội danh và mức hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều.
"Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tính pháp lý của các loại tài liệu và làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật thể hiện qua các tài liệu đó hay không, nếu có sẽ mở rộng điều tra, xem xét xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật" – vị chuyên gia nêu quan điểm.