Dân Việt

Giật mình khi 90% cánh mày râu mắc bệnh xã hội do một nguyên nhân này

Theo Anh Khôi 08/02/2023 23:59 GMT+7
Giang mai, HIV, sùi mào gà hay lậu là những bệnh xã hội hay gặp hiện nay. Nếu không được phát hiện kịp thời, đây sẽ là tác nhân lây truyền trong xã hội, cũng như để lại nhiều hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Mắc bệnh xã hội từ những thú vui ham "của lạ"

Nghi ngờ mắc bệnh xã hội, anh C.Đ.K (30 tuổi, Hà Nội) làm nghề tự do đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Medlatec khám. Hai tuần trước, trên người anh xuất hiện sẩn đỏ rải rác vùng mặt, tay, thân mình, đồng thời xuất hiện bong vảy da mỏng ở rìa thương tổn.

Theo chia sẻ của anh, 3 tháng trước đó anh có quan hệ tình dục không an toàn. Thăm khám tổn thương da có nhiều sẩn đỏ rải rác vùng mặt, hai tay, thân mình, sờ cứng. Bệnh nhân được chỉ định làm thêm xét nghiệm kiểm tra các bệnh truyền nhiễm (HIV, lậu, giang mai) và chụp X-quang tim phổi.

Kết quả xét nghiệm của anh K dương tính với HIV, giang mai nên bác sĩ có chẩn đoán anh mắc giang mai giai đoạn 2 và đồng thời nhiễm HIV. Sau 7 ngày điều trị ngoại trú với các thuốc được kê, các tổn thương da của anh K đỡ đỏ, khô, bong vảy mỏng. Đến sau 14 ngày, tổn thương da đã hết, còn lại các dát thâm.

Giật mình khi 90% cánh mày râu mắc bệnh xã hội do một nguyên nhân này - Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Cũng vì thèm "của lạ", anh V.V.T (29 tuổi, Bắc Ninh) là nhân viên văn phòng đi khám bệnh xã hội do xuất hiện nốt sùi và mụn nước vùng dương vật. Đặc biệt, 3 ngày nay nổi vài nốt mụn nước vùng thân dương vật, đau rát. Khi thăm, bác sĩ thấy có một nốt sùi như súp lơ kích thước khoảng 5 mm vùng gốc dương vật, vài nốt mụn nước có trợt kích thước 1-2 mm vùng thân dương vật, tinh hoàn hai bên không sưng đau.

Với các kết quả thăm khám, anh T được chẩn đoán xác định sùi mào gà do HPV genotype 6 - nguyên nhân gây các u nhú, mụn cóc sinh dục/ viêm da do HSV (Herpes). Sau đó, anh anh T được bác sĩ thực hiện cắt đốt nốt sùi bằng dao điện và kê thuốc điều trị Herpes.

Thêm một trường hợp khác đến khám vì nghi mắc bệnh xã hội do tiểu buốt. Nam bệnh nhân này làm nghề kinh doanh ở Hà Nội cho biết, quan hệ không an toàn được 10 ngày thì bắt đầu xuất hiện tiểu buốt, đau mỏi thắt lưng hai bên, chảy ít dịch niệu đạo trắng đục vào buổi sáng. Khi khám có dịch mủ trắng đục vùng đầu miệng sáo nên có chẩn đoán sơ bộ là theo dõi viêm niệu đạo cấp, chưa loại trừ sỏi tiết niệu.

Với kết quả xét nghiệm máu, PCR dịch niệu đạo, nước tiểu và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm ổ bụng, chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị); nam bệnh nhân này có chẩn đoán xác định viêm niệu đạo cấp do M. Genitalium - một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng qua đường tình dục. Sau khi có kết quả, các bệnh nhân đã được bác sĩ kê đơn điều trị, đồng thời tư vấn bạn tình cần đi khám và kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.

90% lây nhiễm bệnh xã hội do quan hệ tình dục không an toàn

BS Đoàn Như Hoa - Chuyên khoa Thận Tiết niệu, BVĐK Medlatec cho biết, các bệnh xã hội như giang mai, sùi mào gà, lậu, mụn rộp, HPV rất phổ biến hiện nay. Khi mắc những bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống, chất lượng sinh hoạt tình dục, mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm sang bạn tình cũng như lây lan ra cộng đồng.

Hơn nữa, đối với các cặp đôi trong độ tuổi sinh con sẽ làm suy giảm chức năng sinh sản, hoặc nghiêm trọng hơn là tăng nguy cơ lây truyền sang con, gây ảnh hưởng tới tính mạng như ung thư dương vật ở nam giới, vô sinh ở nam/nữ và mắc căn bệnh thế kỷ hiện vẫn chưa có thuốc chữa HIV/AIDS.

Có nhiều con đường lây nhiễm bệnh xã hội như lây truyền qua đường máu (tiêm chích, truyền máu), lây nhiễm qua sinh nở, hoặc qua tiếp xúc gián tiếp (sử dụng chung đồ lót, khăn tắm...). Trong đó, BS Hoa lưu ý, có tới 90% trường hợp sau khi khám phát hiện ra bệnh là do quan hệ không an toàn như qua đường tình dục âm đạo, hậu môn, miệng.

Đặc biệt, các đối tượng có nguy cơ cao sẽ là tác nhân làm bệnh lây truyền rộng rãi và nhanh chóng ra cộng đồng, như quan hệ đồng giới, người có nhiều bạn tình, quan hệ không dùng bao cao su…

Những dấu hiệu mắc bệnh xã hội không nên bỏ qua

Theo kinh nghiệm của BS Hoa, một số dấu hiệu điển hình của các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp người dân nên cảnh giác để đi khám kịp thời như: tiểu buốt, chảy dịch niệu đạo, nổi các nốt sùi, vết loét bất thường vùng sinh dục, nổi hạch, sốt kéo dài…

Mặc dù các bệnh xã hội trên dễ lây lan trong cộng đồng, gia đình và bạn tình, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, để phòng tránh bệnh, bác sĩ lưu ý người dân, nhất là những người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục cần lưu ý phòng tránh bệnh như sau:

- Duy trì lối sống lành mạnh, bảo đảm quan hệ chung thủy với một bạn tình;

- Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục;

- Tránh sử dụng chung đồ đạc cá nhân để tránh lây nhiễm chéo bệnh;

- Bảo đảm chế độ nghỉ ngơi và ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch của bản thân;

- Duy trì thói quen đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm các mầm bệnh. Hoặc nếu thấy phát hiện những bất thường các bệnh xã hội cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết.

Nếu có yếu tố nguy cơ hoặc phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường thì người dân không nên ngần ngại mà nên đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám. Thông qua các xét nghiệm bằng mẫu máu, hoặc dịch niệu đạo/âm đạo sẽ chẩn đoán chính xác, dễ dàng nguồn lây nhiễm của bệnh, từ đó, bác sĩ tư vấn hướng điều trị và phòng bệnh.