Biết thông tin có các phiên giao dịch việc làm trên Internet, ông Trần Văn Thuần (SN 1962, Hoàng Mai, Hà Nội) tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ sáng sớm. Ông hy vọng tìm được các thông tin về công ty có tuyển kỹ sư xây dựng và an toàn lao động. Trước đó, ông đã là một kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
"Tôi vẫn còn sức khỏe, còn yêu nghề và không muốn bị trì trệ đầu óc nên đi tìm việc làm đúng chuyên ngành của tôi" – ông Thuần cho hay.
Đưa ra lí do để thuyết phục các nhà tuyển dụng, ông Thuần cho rằng bản thân là một kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong công việc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo những người như ông.
Hơn nữa, hiện tại, ông đang hưởng mức lương hưu khoảng 5 triệu đồng/tháng. Do đó, khi các công ty tuyển dụng ông vào làm việc, họ sẽ không phải đóng các loại Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Thuần cũng chưa thể tìm được đơn vị tuyển dụng nào phù hợp với mong muốn của ông. "Những người đã về hưu rất khó tìm việc vì họ ưu tiên tuyển lớp trẻ. Thực tế, tuyển lớp trẻ dễ lãnh đạo, quản lý họ hơn, dễ thỏa thuận về mức lương hơn. Đa số các công ty đều không thích lãnh đạo một ông già" – ông Thuần tâm sự.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của ông Thuần, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngành xây dựng của ông rơi vào cảnh "bết bát", các tập đoàn lớn sa thải nhiều nhân sự. Việc họ tuyển thêm lao động là rất ít.
Do vậy, nếu thời gian này không tìm được công việc đúng chuyên ngành thì nửa năm nữa ông mới tiếp tục đi tìm việc.
"Tôi rất yêu công việc của tôi nên trừ phi bất đắc dĩ lắm, không thể nào tìm được việc đúng chuyên môn thì tôi mới đi tìm việc khác như: Bảo vệ, trông xe…" – ông Thuần quả quyết.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông dịp đầu năm chiếm tỉ lệ 57%, với 650 lao động; lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật: 259 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 22,7%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên: 230 lao động, chiếm tỷ lệ 20,3%.
Mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng có 251 chỉ tiêu, chiếm 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 482 chỉ tiêu, chiếm 42,3%, dành cho các vị trí việc làm ổn định, như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 285 chỉ tiêu, chiếm 25%, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime… Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 11 chỉ tiêu, do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội tập trung chủ yếu vào nhóm từ 18 đến 25 tuổi, với 507 chỉ tiêu, chiếm 44,5%. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc, qua đó, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, cơ hội nghề nghiệp dành cho người lao động trên 60 tuổi như ông Tuần không nhiều. Nếu có, đa số chỉ là những công việc lao động chân tay với mức lương cơ bản khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng.