Clip Điện Kính Thiên trong khu thành cổ Hà Nội. Thực hiện: Khánh Ly.
Truyền thuyết về ngọn núi Nùng
Theo sử sách ghi lại, từ thuở Hà Nội còn là ngôi làng nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, ở đây đã có một quả núi đất thiên tạo được gọi là Nùng sơn. Trên đỉnh Nùng sơn có một ngôi đền. Đền thờ thần Long Đỗ, tức là thần sông Tô Lịch. Trên đỉnh Nùng sơn có "lỗ thông hơi".
Trong cuốn sách Hoàng Việt dư địa chí, nhà sử học Phan Huy Chú viết: "Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng, giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ, ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)".
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn: "Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý".
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Đây là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi và trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng. Năm 1886, điện bị thực dân Pháp phá huỷ để xây nhà ban chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Hoàng Thành Thăng Long ngày nay).
Hệ thống thành bậc điện Kính Thiên (thường được gọi là thành bậc rồng điện Kính Thiên) được công nhận là Bảo vật quốc gia từ tháng 12/2020. Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích "kép" cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.
Núi Nùng không phải là núi Sưa
Ngày nay nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng núi Nùng là núi Sưa trong công viên Bách Thảo (Hà Nội). Có giả thiết này bởi dựa vào cao độ của gò đất và chi tiết người Pháp đã từng tìm thấy những phần cột đá chạm hình rồng cuốn bị vứt lăn lóc trong khu vực Bách Thảo thời thuộc Pháp. Nhưng theo sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn: "Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên".
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho hay, núi Nùng chính là nơi đặt điện Kính Thiên, còn được gọi là điện Thiên An, điện Càn Nguyên thời Lý, Trần.
"Núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên ngày nay. Trải qua hàng ngàn năm, vùng Hà Nội đã được bồi đắp thêm nhiều nên độ cao của núi Nùng không như xưa. Hơn nữa, để xây dựng cung điện trên đó, người ta cũng đã phải bạt bớt ngọn núi cho bằng phẳng", ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, trên đỉnh ngọn núi Sưa còn có một ngôi đền nhỏ thờ Hắc đế. Tấm biển trên ngôi đền ghi dòng chữ: "Sưa sơn lăng miếu", tức là "ngôi miếu trên núi Sưa". Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây mọc thành rừng trên ngọn núi này, vì thế mới có tên gọi là núi Sưa.
Căn cứ vào dẫn chứng của các nhà nghiên cứu, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất ở trung tâm Cấm thành Thăng Long, nơi ngự của Hoàng đế, và là biểu trưng quyền lực cao nhất của quốc gia Đại Việt ở thời Lê từ thế kỷ XV đến XVIII.