Video một phân đoạn trong vở rối nước "Câu chuyện Hồ Gươm". Thực hiện: Thanh Tâm.
Nghệ thuật chế tác, điều khiển quân rối tinh tế đến từng chi tiết
Nói đến nghệ thuật múa rối, nhiều người thường nghĩ tới hình ảnh người nghệ nhân khéo léo thu mình phía sau tấm màn mỏng, điều khiển từng quân rối, tạo ra các vở diễn đặc sắc. Tuy nhiên, ít ai biết để tạo ra những con rối đó cũng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, nếu không am hiểu và đam mê, rất khó thực hiện được.
Anh Phạm Công Bằng, Nghệ nhân ưu tú trẻ nhất Việt Nam, trưởng phường rối Tế Tiêu chia sẻ: "Tạo hình con rối thực tế cũng là một nghề điêu khắc. Các con rối được làm bằng gỗ sung, một loại gỗ nhẹ, bền, dẻo và nổi trên mặt nước. Từ nguyên liệu gỗ tự nhiên, phải dựa vào đó để làm những hình thù rối nước mà không có khuôn mẫu sẵn nào.
Ở con rối, mình phải dựa theo từng kịch bản vở diễn, các câu chuyện dân gian hay yêu cầu của đoàn diễn để tạo hình. Thậm chí, ở những nơi biểu diễn khác nhau, con rối cũng có thể thay đổi để tạo thêm sự sinh động cho câu chuyện. Hầu hết các đoàn diễn đều đưa kịch bản để tự nghiên cứu sáng tạo ra những con rối phù hợp".
Sáng tạo ra một quân rối độc đáo, mới mẻ theo anh Bằng là một bài toán khó đối với những người nghệ nhân làm rối. Phải sáng tạo làm sao để không bị thương mại hóa, mà vẫn giữ được hồn cốt dân tộc mới là điều cần thiết. Sáng tạo nhưng vẫn phải lồng ghép được những yếu tố văn hóa truyền thống mang tính bản sắc vào tác phẩm để người xem cảm nhận được rõ nét văn hóa Việt Nam trong những tạo hình con rối, trong những điệu hò, vè, ca dao thấm đẫm tâm hồn Việt.
Làm rối đã khó nhưng để có thể tạo nên một buổi diễn hoàn hảo, thì điều khiển rối cũng là một trong những kỹ thuật quan trọng. Anh Phạm Công Bằng kể rằng, để điều khiển được kỹ thuật này, đòi hỏi người biểu diễn phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả, có tay nghề cao, đôi bàn tay dẻo dai, uyển chuyển, những người nghệ nhân phải thực sự tinh tế và hiểu ý nhau.
Nhờ vậy, người điều khiển có thể đưa rối ra xa sân khấu, đến gần hơn với khán giả đồng thời biểu diễn được nhiều động tác linh hoạt, sống động và đặc biệt có hồn, rất hấp dẫn người xem.
Tâm huyết vực dậy phường rối Tế Tiêu
Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử lên đến hơn bốn trăm năm. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, loại hình sân khấu dân gian này lại được hồi sinh trên mảnh đất Tế Tiêu vào những năm 1954-1957, và phát triển mạnh vào những thập niên 70 nhờ sự cống hiến của các bậc nghệ nhân: cố nghệ nhân Lê Đăng Nhượng, cố nghệ nhân Phạm Văn Bể. Rối cạn Tết Tiêu đã được ghi tên mình vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể" cấp Quốc gia.
Nhưng ít ai biết được rằng, những gì còn lại ở Tế Tiêu ngày nay chỉ là một phường rối gia đình. Phường rối gia đình anh Bằng - con trai thứ 9 của cố nghệ nhân Phạm Văn Bể là phường rối gia đình cuối cùng ở Tế Tiêu, đại diện cho loại hình văn hóa dân gian phi vật thể nổi tiếng của mảnh đất này.
Thực hiện theo nguyện vọng của cha, anh Phạm Công Bằng vẫn ngày đêm cặm cụi đẽo gọt những con rối gỗ, truyền dạy cho những em thiếu nhi hoặc thanh niên trong làng có nhu cầu học nghề, và chủ trì những tiết mục biểu diễn rối nước, rối cạn mỗi khi nhận được lời mời.
Những năm qua, rối Tế Tiêu - với gần 100 trò diễn, hàng nghìn chú rối - đã vượt khỏi làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kì Festival Huế… và giành được cả giải thưởng lẫn sự yêu mến của khán giả trong và ngoài nước.
Anh Bằng chia sẻ thêm: "Ngày xưa, người dân vẫn luôn xem rối là một môn nghệ thuật giải trí, ai cũng xem rối, yêu và mê rối. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, dần dần chẳng còn nhiều người yêu rối như trước nữa".
Cũng bởi lẽ đó mà người nghệ nhân ấy đang nỗ lực từng ngày để "nuôi" sống rối và đưa rối đến gần hơn nữa với khán giả trong nước cũng như khán giả quốc tế. Rằng một ngày nào đó không xa, rối cạn Tế Tiêu sẽ được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể".
Hiện nay, tại phường rối Tế Tiêu của gia đình anh Bằng đã đón rất nhiều những du khách trong và ngoài vùng hay những bạn trẻ thanh thiếu niên yêu thích nghệ thuật cổ truyền đến thăm và trải nghiệm những kỹ thuật làm rối và điều khiển rối cơ bản.
Em Nguyễn Thị Phương Linh, một nữ sinh cấp ba đến từ trường THPT Mỹ Đức B chia sẻ: "Em đã từng đi cùng gia đình xem nhiều trò diễn múa rối nước ở quê và TP.Hà Nội. Em cảm thấy múa rối là một nghệ thuật thật tuyệt vời và độc đáo, em hi vọng rằng bộ môn này sẽ được gìn giữ và phát triển hơn nữa".