Dân Việt

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Bộ NNPTNT mở rộng các cơ sở chiếu xạ trái cây, thực phẩm ở phía Bắc

P.V 16/02/2023 06:00 GMT+7
Tại buổi làm việc với Bộ NNPTNT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Bộ NNPTNT cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề gỡ thẻ vàng IUU và mở rộng các cơ sở chiếu xạ cho hoa quả, thực phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu ra khu vực miền Bắc.

Chiều ngày 15/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc làm việc với Bộ NNPTNT. Tại buổi làm việc, báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ NNPTNT có đặc thù hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ rừng đến biển, từ cây đến con. 

Do vậy có rất nhiều chủ thể tham gia vào những ngành hàng nông nghiệp và việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch do chính những người nông dân, những doanh nghiệp nắm vai trò chủ chốt.

Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, ngành nông nghiệp xác định chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng các chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực, sau lâm nghiệp, thủy sản là trồng trọt, trong đó tái cơ cấu, định hình lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại hệ sinh thái giữa nông nghiệp và nông dân.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Bộ NNPTNT mở rộng các cơ sở chiếu xạ trái cây, thực phẩm ở phía Bắc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ NNPTNT. Ảnh: VGP.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết từ năm 2016 đến nay, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có 6 nhóm kết quả nổi bật.

Thứ nhất, Bộ đã hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển ngành.

Bộ NNPTNT đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành theo thẩm quyền 345 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Quốc hội ban hành 6 luật, Chính phủ ban hành 70 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 quyết định, Bộ trực tiếp ban hành 255 thông tư.

Bộ cũng đã xây dựng mới, hoàn thiện đồng bộ Chiến lược phát triển ngành, các tiểu ngành, lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ cơ cấu lại ngành; tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ đã tích hợp, đảm bảo vận hành thông suốt 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Thứ ba, chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bốn là, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường hội nhập quốc tế; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng mạnh, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy nông nghiệp phát triển; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư, trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển thị trường.

Sáu là, chủ động, nhanh nhạy trong thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thư, thực hiện Chính phủ điện tử. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và tâm huyết của Bộ NNPTNT trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản pháp quy phục vụ sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với tinh thần mọi cố gắng, nỗ lực đều có giá trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới.

Nhận định về 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NNPTNT đưa ra với ngành trong năm 2023, Phó Thủ tướng bày tỏ sự đồng thuận và nhấn mạnh cần sắp xếp các nhiệm vụ này theo thứ tự ưu tiên, không thể dàn trải.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NNPTNT cần đặc biệt quan tâm đến việc gỡ “thẻ vàng IUU”. Theo Phó Thủ tướng, chỉ còn nửa năm nữa là đến hạn kiểm tra và đây là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thể hiện cho những người có trách nhiệm thấy rằng chúng ta đã có những nỗ lực rất tích cực và bước đầu đã có được những thành quả đáng ghi nhận. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý Bộ NNPTNT mở rộng các cơ sở chiếu xạ cho hoa quả, thực phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu ra khu vực miền Bắc để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận đều nằm ở phía Nam gây gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản miền Bắc như vải, nhãn… Hiện nay, có một trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ KH-CN ở Hà Nội, có đầy đủ nhân lực, máy móc theo tiêu chuẩn của Mỹ nhưng lại gặp vấn đề về giá do nhu cầu chiếu xạ ở miền Bắc không nhiều, không liên tục nên giá cao hơn ở phía Nam.

“Chúng ta cần phối hợp với Bộ KH-CN để bước đầu có cơ chế nào đó để hỗ trợ trung tâm có thể hoạt động được với mức giá phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Sau đó khi hoạt động hiệu quả rồi thì có thể giảm dần hỗ trợ”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý.