Giàn cà chua sân thượng sai lúc lỉu, quả nào quả ấy căng mọng. Clip: NVCC
Là một dược sĩ, nhưng có sở thích yêu cây cối từ nhỏ, nên một năm trước anh Vũ Duy Vững (sinh năm 1985, bố của 2 con nhỏ, ở phường Đa Mai, TP Bắc Giang) đã vác khoảng 6 tấn đất lên sân thượng để thoả đam mê làm vườn của mình.
"Đất được trộn giá thể, phân chuồng ở bên dưới. Sau đó, đóng thành các bao 40-50kg. Thời điểm đầu mình thuê người vận chuyển 4 tấn đất lên trước. Thời gian sau thì thỉnh thoảng mình trực tiếp khuân lên, mỗi lần 40 -50kg", anh Vững nói.
Diện tích khu vườn sân thượng nhà anh Vững khoảng 100m2. Tại đây anh trang bị chậu lắp ghép thông minh, giá kệ sơn tĩnh điện, mái che trong suốt, giàn leo làm từ ống kẽm hàn và sắt V lỗ lắp ghép, máy bơm tưới phun cùng hệ thống đèn trang trí buổi tối.
Thời gian đầu, anh Vững thử nghiệm trồng dưa và trồng bí. Do thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trông, nên nhiều cây anh trồng bị xoăn ngọn, xoăn lá, không đậu quả, phát triển kém, phải nhổ bỏ. Các cây còn lại thì bị bọ dưa phá đục dẫn tới thối rễ.
Không từ bỏ, anh Vững đã dành thời gian tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, các kỹ thuật trồng rau, trồng cây trên các hội nhóm làm vườn và trên các website uy tín.
"Sau khi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, mình chọn trồng cây theo mùa và theo sở thích ăn uống của gia đình. Đặc biệt là mình trồng rất nhiều cà chua, hiện tại mình đã trồng được 10 giống cà chua ngoại. Lý do là vợ mình và các bạn nhân viên làm việc tại văn phòng thích ăn cà chua. Hơn nữa, trồng cà chua lên giàn rất đẹp mắt, sai quả, ngon, đẹp mắt, và cho bóng mát", anh Vững hào hừng nói.
Theo anh Vững, trồng cây sân thượng chủ yếu trồng cây trong chậu. Nên dinh dưỡng đôi khi không được cân bằng như trồng dưới mặt đất, lý do là khi tưới dinh dưỡng có thể bị rửa trôi. Nên chăm cây cũng sẽ vất vả và cần nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm hơn.
Về chậu trồng: Anh Vững lựa chọn chậu ghép thông minh có ưu điểm là đẹp, sang trọng, dễ thay đổi hình dạng, thiết kế. Nhưng nhược điểm lớn nhất của nó là rất nhiều khe. Khiến cho việc dinh dưỡng dễ bị rửa trôi.
Vì thế, khi trồng sân thượng nên lựa chọn các loại chậu sóng tầng kín, giá rẻ hơn, bền hơn, hạn chế được nhược điểm của chậu ghép thông minh. Tuy nhiên, nó không được đẹp bằng chậu ghép thông minh.
Đất: Trồng rau hay phần lớn các loại cây trồng ưa đất tơi xốp. Nên bố đảm 2 con thường trộn đất theo công thức 40:30:30 (40% đất thịt nhẹ + 30% phân chuồng hoai mục + 30% giá thể tơi xốp như bã mía, vỏ lạc, trấu hun). Và có bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh để phòng các bệnh cho rễ như Trichoderma, chế phẩm vi sinh trừ bệnh Killpa.
(Đây là các sản phẩm vi sinh bắt chước cơ chế tự nhiên, không gây độc cho con người, không cần cách ly khi phun, thậm chí không cần đeo khẩu trang khi trộn đất hoặc tưới cho cây bằng các chế phẩm này).
Nước: Anh sử dụng nước máy xả vào trong các thùng, nên nó không còn chlor. Trồng cây sân thượng nếu lựa chọn các loại chậu nông thì khi trời nóng hoặc trời hanh khô sẽ nhanh mất nước, bị bay hơi nước. Nên người trồng sẽ phải tưới 2 lần/ngày vào các buổi sáng sớm hoặc buổi chiều.
Giống cây: Nếu trồng các loại rau đơn giản và phổ thông thì các bạn nên mua hạt giống trong siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán hạt giống cho nông dân, giá sẽ rẻ hơn mà cũng chất lượng. Còn đối với hạt giống nhập ngoại các bạn nên lựa chọn các đơn vị bán hạt giống uy tín.
Phân bón: Anh Vững sử dụng 100% các loại phân bón hữu cơ. Nói không với phân hóa học. Lý do chính là vườn của anh trồng rau phục vụ chính gia đình mình. Hơn nữa cũng là chỗ để một số bạn cùng sở thích trồng cây trồng hoa đến thăm quan, chia sẻ cách trồng bằng phương pháp hữu cơ.
Các bạn có thể thay thế các loại phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ như sau:
Phân giàu Kali: Dùng dịch ủ từ quả chuối để thay thế. Chuối rất nhiều kali hữu cơ mà cây dễ hấp thu. Ở chợ có rất nhiều người bán chuối, chuối chín quá, chuối hỏng giá rất rẻ. Các bạn có thể mua về làm phân để ủ.
Phân giàu đạm (Nitơ): Ủ từ đậu tương hoặc mua bã đậu, sữa hết hạn, các loại bánh dầu trẩu về ủ.
Lân các bạn mua các loại lân hữu cơ hoặc lân dạng khoáng.
Canxi thì trong vỏ trứng rất nhiều, các bạn có thể ủ dịch chuối cùng với vỏ trứng để chuyển canxi vô cơ thành Ca2+ (loại cây có thể hấp thu được).
Còn có 1 nguồn phân bón nữa cũng rất hữu dụng: Nhà anh Vững thường gom tất cả các rác hữu cơ từ rau củ quả hàng ngày, thêm 1 chút men vi sinh Epic + 1 chút mật rỉ đường để ủ thành phân hữu cơ trong các thùng, xô chậu để tưới cây.
Nhờ có kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên vườn cà chua sân thượng nhà anh Vững lúc nào quả cũng chen chúc, lúc lỉu đẹp mắt. Bên cạnh cà chua anh còn trồng thêm nhiều loại rau, hiện tại có cà chua, cải cúc, cải ngọt, cải thìa, cải canh, lơ xanh, bắp cải, su hào, đậu cô ve, cải thảo, mồng tơi, cải kale, rau muống ...
Các loại rau thơm gia vị: Húng lủi, húng quế, húng láng, cần tây, thì là, tía tô, mùi tầu. Các loại cây khác: Chanh tứ quý, chanh vàng mỹ, hoa hồng.
Khi nông sản sân thượng nhà mình nhiều quá, không tiêu thụ hết, vợ chồng anh thường gửi tặng các bạn nhân viên.
Anh Vững tâm sự thêm, khi mọi người đến chơi, khen khu vườn đẹp, anh rất vui. "Tuy nhiên, cái vui nhất không phải đc mọi người công nhận, mà là nó thỏa mãn được cái sở thích và đam mê làm vườn, yêu cây cối của mình. Bình thường mình nóng tính, rất dễ nổi nóng. Nhưng khi làm vườn, mình cảm giác tính tình dịu đi rất nhiều. Nó cũng giúp gia đình mình kết nối với nhau hơn.
Buổi chiều 2 vợ chồng lên chăm sóc cây cối, đây là nơi để chúng mình nói chuyện với nhau trong lúc cùng làm vườn. Các bé nhà mình cũng học tập được nhiều thứ từ việc làm vườn: Các bé được nhìn thấy cả quá trình cây ra hoa kết trái, rồi trái chín thành những hoa quả nó ăn hàng ngày. Các bé được hướng dẫn tự trồng cây, chăm bón cây. Khi hoa cúc, dâu tây ra hoa đậu quả, chúng cực kỳ phấn khích. Đấy cũng là cách giúp mình truyền sở thích yêu cây cối thiên nhiên cho 2 bé nhà mình", anh Vững bộc bạch.