Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi vừa làm việc với cán bộ chủ chốt Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội về triển khai các mặt công tác 4 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Theo báo cáo, 4 tháng đầu năm 2023 toàn TP.Hà Nội thụ lý mới 13.946 việc, tương đương với số tiền 12.220.641.855 đồng.
Trong số có điều kiện đã thi hành xong 7.471 việc, tương đương với số tiền 2.979.980.849 đồng; đạt tỷ lệ 33,65 % về việc và 10,09 % về tiền. So với cùng kỳ năm 2022, thụ lý mới tiếp tục tăng cao, số việc chuyển kỳ sau còn nhiều.
Một số đơn vị có tỷ lệ thi hành xong về việc còn thấp như Chương Mỹ, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Thạch Thất, Đống Đa. Một số đơn vị có tỷ lệ thi hành xong về tiền thấp như: Mê Linh, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Tây Hồ, Ba Đình…
Các cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hà Nội hiện đang thi hành các khoản thu cho hơn 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng. So với cùng kỳ 4 tháng năm 2022, hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng của 4 tháng năm 2023 thi hành xong tăng 1,99% về việc và tăng 0,18% về tiền.
Về kết quả thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong số có điều kiện đã thi hành xong 18 việc tương đương với số tiền là 82.259.804 nghìn đồng.
Tuy nhiên, theo Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như khó khăn về biên chế dẫn đến tình trạng quá tải công việc; khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ còn chưa đáp ứng với yêu cầu...
8 tháng còn lại của năm công tác 2023, dự báo bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra để hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao đối với các cơ quan Thi hành án dân sự của TP.Hà Nội là rất lớn. Từ đó, Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2023 và các đề xuất, kiến nghị để nâng cao kết quả các mặt công tác.
Tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái khẳng định, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao đối với địa bàn trọng điểm như TP.Hà Nội.
Nhận định công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn của Thành phố đã có chuyển biến song trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao, Tổng Cục trưởng yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực.
Cụ thể, cần kiểm soát các mặt công việc chặt chẽ, khoa học, bài bản, trong đó có hoạt động của Chấp hành viên; nhận diện, đánh giá đúng tình hình thực tiễn để xác định nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề nổi cộm của từng địa bàn.
Cùng với đó cần xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp đúng và trúng, đặc biệt phải luôn bám sát quy trình và quy định về thi hành án, chú trọng công tác kiểm tra, đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong hoạt động Thi hành án dân sự.
Người đứng đầu Tổng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cần làm tốt công tác tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ cho các Chi cục, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, thành lập Tổ công tác khi cần thiết; yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc theo từng nhóm vấn đề để rà soát, hướng dẫn cụ thể.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp thu đầy đủ các ý kiến và có chỉ đạo hướng dẫn Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Lãnh đạo Cục cần tiếp tục hoàn thiện phương thức quản lý điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, bám sát thực tiễn tại cơ sở; phát huy tính năng động, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Cụ thể, cần kiểm soát tốt tổ chức hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt là cấp ủy; đánh giá được nguồn lực của đơn vị để có giải pháp thu hút nhân sự; quản lý nhân sự chặt chẽ, bài bản. Cục cần tăng cường sự kết nối với các đơn vị thuộc Tổng cục để kịp thời trao đổi thông tin, xin hướng dẫn chuyên môn kịp thời.