Sáng tháng hai, trời Cà Mau nắng sớm, anh Phạm Văn Biển thủng thẳng chạy xe đưa con trai lớp 5 đến trường, rẽ vào quán ăn sáng, cafe với bạn rồi mới về trang trại trồng rau thủy canh rộng 1.200m2 ở xã An Xuyên, TP Cà Mau.
"Sau những ngày khởi đầu căng thẳng thì giờ tôi đã dần được hưởng thành quả", anh nói.
Khởi nghiệp tuổi 50
Càng có tuổi, anh Biển càng muốn cân bằng công việc và cuộc sống. Có cha mẹ già, con nhỏ thường xuyên phải đưa đón, vợ bận công việc kinh doanh, anh Biển nghĩ đã đến lúc dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Bảy năm trước, anh nhen nhóm ước mơ trồng rau thủy canh khi đi công tác Đà Lạt. Đặc điểm của rau thủy canh là người trồng dùng máy bơm nước và máy làm mát nguồn nước hoạt động xuyên suốt nhằm cung cấp nước sạch cho từng bộ rễ của các chậu rau thông qua ống dẫn nước.
Với phương pháp đó, người trồng không sử dụng nhiều phân bón mà chỉ cần bổ sung khoáng vi lượng và đa lượng qua hệ thống dẫn nước. Trồng trong nhà lưới cây trồng không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Các loài côn trùng cũng không xâm nhập vào được, do đó người trồng không cần đến thuốc bảo vệ thực vật.
"Ở đó rau xanh, sạch bạt ngàn, đắt khách, còn ở quê tôi chưa có mô hình này", anh Biển, thạc sĩ Quản trị kinh doanh, nhớ lại.
Những chuyến công tác sau đó, anh thường ghé các nông trại trồng rau thủy canh ở Đà Lạt, TPHCM học hỏi kinh nghiệm, đọc thêm sách vở. Trong đầu, anh vạch ra kế hoạch: dự trù vốn, thuê nhân công, tìm kiếm đầu ra và nắm vững kỹ thuật trồng.
Khi thấy đã sẵn sàng, anh Biển nộp đơn xin nghỉ trước sự ngỡ ngàng của giám đốc công ty. "Anh ấy bảo tui nghĩ lại, mà tui nói đã nghĩ kỹ rồi", anh kể.
Kiều Anh, 25 tuổi, con gái anh Biển cũng bất ngờ với quyết định của ba. "Ba phấn đấu cả đời mới có vị trí đó, mức thu nhập cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định. Tôi cứ nghĩ ba sẽ làm mãi công việc đó đến lúc về già", cô nói. Con gái cả thắc mắc, ông bố cười, bảo: "Bố làm mãi một công việc lặp lại hàng chục năm trời rồi, nếu không thay đổi, biết đến khi nào".
Người duy nhất biết và ủng hộ quyết định của anh Biển thời điểm đó là vợ. Hai vợ chồng đầu tư 2 tỷ đồng, trong đó một nửa vay ngân hàng để anh Biển làm ăn.
Vườn cây ăn trái rộng 1.200m2 của gia đình, cách nhà 11km, được ông chủ chặt bỏ, thay bằng hệ thống trồng rau thủy canh, nhà kính. Ngày bốn lượt, anh Biển chạy đi chạy về. "Trước ba chỉ sáng đi, tối về, công việc bàn giấy nhàn hạ, giờ tự nhiên phải lấm lem vất vả. Tôi không dám nói với ba, nhưng thở dài với chồng, 'chẳng biết ba làm vậy đúng hay sai'", Kiều Anh nhớ lại những ngày đầu.
Áp lực để tạo ra giá trị
Dù tính kỹ, ngay lứa đầu trồng, anh Biển đã thất thu. Hơn 2 tấn rau đến ngày thu hoạch một phần bị thối rễ. Cả vạt rau lớn đột nhiên khụy xuống. Một phần rau tươi tốt mang đến các chợ đầu mối chào bán bị từ chối.
"Giống rau gia đình tôi trồng là rau nhập ngoại nên đắt hơn rau nội khoảng 15-20 ngàn, vừa đắt, vừa không biết ngon không nên chẳng ai mua", anh nói. Rau đến tuổi thu hoạch nhưng không có đầu ra, chủ vườn phải mang tặng, cây quá tuổi phải chở cả xe đổ bỏ.
Chỉ sau 45 ngày khởi nghiệp đã lỗ hơn 30 triệu đồng, anh Biển lo trắng đêm không ngủ. "Có vài tháng mà tui sụt 4kg, người đen nhẻm", anh nói.
"Bình thường ba cười nói suốt, nhưng mấy bữa đó chẳng nói năng gì, mặt lúc nào cũng đăm chiêu", con gái anh Biển kể. Rau sau 7-10 ngày sẽ phải xuống giống, nhưng Kiều Anh thấy sau vụ rau đầu, ba không cho nhân công xuống giống nữa. Đứa con nghĩ người cha đã bỏ cuộc.
Nhưng Kiều Anh không biết, ba mình đang chỉ tạm dừng để tìm đầu ra cho sản phẩm và đi học thêm kiến thức về trồng rau thủy canh. Anh vắng nhà ba ngày, từ Cà Màu lên hợp tác xã ở TPHCM nhờ chỉ dạy giúp cách trị bệnh thối rễ cho rau. Khi cuốn vở ghi chép kiến thức về trồng rau thủy canh đã kín chữ, trong lòng thấy tự tin, anh Biển trở về.
"Tôi trồng rau theo đúng tiêu chuẩn VietGap, sau đó nhờ người giới thiệu để đưa rau nhà mình vào siêu thị", anh nói. Thay vì trồng ồ ạt rau như trước, anh Biển trồng với số lượng vừa phải. Anh theo dõi rau từ khi mới xuống giống, phun thuốc sinh học để phòng thối rễ. Cây nào có dấu hiệu bệnh, anh cùng công nhân nhổ bỏ, tránh làm lây lan cho các cây khác.
Sau bốn tháng khởi nghiệp, rau của anh Biển lần đầu đặt chân vào siêu thị. Các điểm thu mua rau trong chợ được tặng rau, ăn thử thấy ngon, chào bán có khách cũng tới tận trang trại của anh Biển thăm. Thấy quy mô vựa rau lớn, quy trình trồng đạt tiêu chuẩn VietGap, họ bắt đầu đặt hàng.
Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Biển bán ra thị trường hơn 2 tấn rau, 70% được giao đến siêu thị, còn lại nhập cho các đại lý lớn. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng gần 100 triệu đồng. Anh tạo việc làm cố định cho bốn lao động địa phương.
"Đây là một mô hình trồng rau tốn ít chi phí nhưng chất lượng và giá thành cao, lần đầu có tại địa phương. Sự sáng tạo của anh Biển không chỉ mang đến giá trị kinh tế cho gia đình anh, mà còn tạo việc làm cho làm cho người trong xã", ông Quách Thanh Nhã, chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau nói.
Anh Biển cho biết, làm công ăn lương có áp lực và làm chủ cũng có áp lực. Nhưng áp lực của người làm thuê là do người khác tạo cho mình, còn khi làm chủ, là tự mình tạo cho mình.
"Nếu không dám bỏ những lợi ích trước mắt đối diện với áp lực lớn, tôi sẽ chẳng nhận ra những giá trị bây giờ. Khi đã vượt qua khó khăn, không chỉ thu nhập tăng, tôi có thời gian cho cha mẹ già, được đưa đón con nhỏ và thảnh thơi đầu óc", anh nói.
Anh khuyên người trẻ nên khởi nghiệp khi đủ quyết tâm và tâm huyết với một lĩnh vực nào đó. Dù ở tuổi nào thì khởi nghiệp không bao giờ là quá trễ. Như tôi, đã đi hết nửa đời người vẫn có thể tạo lập được thành công của riêng mình đấy thôi", anh chiêm nghiệm.