Sau khi du học từ Nhật Bản về nước, anh Hoàng Nam (Cầu Diễn, Hà Nội) xin vào làm kỹ sư phần mềm của một công ty về nổi tiếng về công nghệ.
Mức thu nhập tại công ty anh làm việc cũng không phải ở mức thấp. Tuy nhiên, anh Nam vẫn quyết định xin nghỉ việc, trở thành một feelancer. Biết ngoại ngữ và có thể đứng ra kết nối giữa các IT người Nhật với dự án tại Việt Nam, anh dễ dàng nhận các dự án lớn, nhỏ.
Công việc này đem lại cho anh mức thu nhập trung bình trên 50 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, khi nhận thiết kế và sửa chữa các phần mềm cũng giúp anh Nam có thêm thu nhập không nhỏ.
"Tôi không phải là nhân viên của một công ty nào, càng không ký kết hợp đồng lao động với các công ty. Là một freelancer mảng IT, tôi vẫn ký kết hợp đồng với khách hàng để đảm bảo không bị "bùng" tiền dự án. Hiện tại, tôi đang làm việc với 4 công ty một lúc" - anh Nam cho hay.
Khi trở thành IT chắc về mặt chuyên môn, sau thời gian phát triển thương hiệu cá nhân, các dự án liên tục đổ về với nam freelancer này.
"Mỗi một freelancer lại có mức thu nhập khác nhau, không ai giống ai. Chỉ khi freelancer nhận được nhiều dự án, các dự án có chất lượng và hoàn thành tốt nó thì bạn mới có thu nhập hấp dẫn. Quan trọng nhất là năng lực chuyên môn của mảng bạn theo đuổi và cố gắng làm thật tốt" - anh Nam nhận định.
Trước đây, chị Cao Thị Hạ (Thanh Hóa) là nhân viên trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Lo ngại về việc hằng ngày phải tiếp xúc với sóng điện từ và lịch tăng ca bất thường, chị Hạ đã quyết định nghỉ việc, tìm kiếm một công việc tự do.
Bén duyên với công việc viết content cho một blog về chăm sóc sức khỏe, chị trở thành freelancer tay ngang. Số tiền chị Hạ thu về từ công việc này khá thấp. Trung bình với mỗi bài viết khoảng 700 chữ, chị chỉ nhận được từ 50.000 đến 70.000 đồng. Tháng cao nhất, chị cũng chỉ kiếm được khoảng 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, do sở hữu chất giọng khá, chị Hạ thỉnh thoảng cũng nhận thêm một số công việc liên quan như thu âm podcast, kể chuyện,...
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ, công việc này mang lại cho chị thu nhập không đáng kể.
Chị Hạ tâm sự: "Mỗi tháng, với công việc freelance, tôi kiếm được từ 5 triệu đến 6 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy giữa thủ đô cũng chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra tôi không thể tiết kiệm thêm bất kỳ một khoản nào khác".
Nói thêm về freelancer, chị Hạ cho rằng nhiều người đang lầm tưởng đây là một ngành "việc nhẹ lương cao".
"Trở thành một freelancer không khó, nhưng để có mức thu nhập cao và ổn định không phải chuyện dễ dàng. Họ phải cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ. Đối với những người mới bắt đầu như tôi, việc đòi hỏi một công việc tự do với mức thu nhập hấp dẫn là không khả thi" - chị Hạ nói.