Có mặt tại buổi giao lưu có sự xuất hiện của nhà báo Tạ Bích Loan (một nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách) cùng những vị khách mời đặc biệt, có những kỷ niệm gắn bó và lớn lên với các bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến trong buổi giao lưu. Clip: Hà Thúy Phương
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, ông cũng đã giữ một vị trí quan trọng mà không phải nhạc sĩ nào cũng đạt được. Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng những bài hát của ông như: "Cô và mẹ", "Trường cháu là trường mầm non", "Chiếc đèn ông sao", "Cánh én tuổi thơ"... Thế nhưng không phải ai cũng biết, phía sau mỗi giai điệu, lời ca trẻ thơ thân thuộc ấy lại có một câu chuyện ít người được biết.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách "Bài hát lớn lên cùng con" do con gái ông – nhà báo Phạm Hồng Tuyến viết. Cuốn sách là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Có thể nói, mỗi bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con. Để rồi với tình thương yêu trong trẻo ấy, tất cả đã lan tỏa và trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi.
Ký ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát của bố, 5 tuổi thu thanh bài "Đêm pháo hoa" mừng Tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh. "Trường cháu là trường Mầm non" là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài "Mầm non ca" cùng với "Cả tuần đều ngoan" bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc. Đến khi Hồng Tuyến vào lớp 1 và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết: "Chúng em là học sinh lớp Một", "Ở trường cô dạy em thế", "Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội", "Theo cánh đu bay"...
Không chỉ là ký ức riêng tư của Phạm Hồng Tuyến, nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn bó với những người bạn đồng trang lứa của cô, khi là các bạn ở tại Khu tập thể Khương Thượng, lúc lại là các bạn cùng học lớp 12A chuyên Nga trường Lý Thường Kiệt...
Quán quân gương mặt thân quen nhí 2022 Nam Phong hát "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" và các em nhỏ hát bài "Chúng em là học sinh lớp 1". Clip: Hà Thúy Phương
Đến với "Bài hát lớn lên cùng con", người đọc sẽ bắt gặp một "khung trời hoài niệm" về các bài hát như những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể... của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Với những "khuôn hình" hồi ức, chúng ta có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ và đặc biệt đó là những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuông nhạc lớn, rộng của tâm hồn người Việt Nam. Điều đáng quý, nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã kể lại câu chuyện riêng tư của mình với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh.
Đọc sách, người đọc thấy một nhạc sĩ Phạm Tuyên gần gũi, thân thương hơn, luôn yêu chiều cô con gái nhỏ thích hát ca, thích bày tỏ, chia sẻ... để rồi từ đó sáng tác cho con và tuổi thơ trang lứa của con... Trong "Bài hát lớn lên cùng con", bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát. Đặc biệt hơn, gần tựa đề mỗi bài hát đều được gắn một mã QR code, người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, có những bài "nguyên gốc" từ tư liệu hiếm có, rất sống động.
Chia sẻ cảm xúc về cuốn sách, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết: "Tôi học cấp 3 cùng Phạm Hồng Tuyến, chuyên ngữ Lý Thường Kiệt, cùng một tổ và thân nhau vì sự thoải mái cởi mở của Tuyến. Thuở đó, Tuyến không khoe gì về bố và những sáng tác của bố. Vì vậy những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên dành cho trẻ em đi sâu vào kú ức của tôi từ các nguồn khác nhau, có một đời sống, một ấn tượng khác chứ không phải là của bố bạn mình.
Trong số đó, bài hát tôi ấn tượng nhất chính là "Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội". Năm 1981, sau khi đất nước thống nhất, mặc dù còn nhiều gian khổ nhưng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức được Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất, một sự kiện thực sự mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Bắc Nam.
Lần đầu tiên, tôi được gặp những bạn từ Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang... mà trước kia chỉ nghe trong sách vở. Một bài hát với giai điệu náo nức say lòng đã gắn kết những đứa trẻ còn xa lạ và e dè vào một tình cảm chung: tình thương đồng đội bao la. Tình cảm đó đã lan tỏa và gắn kết chúng tôi qua nhiều năm. Cho đến 35 năm sau khi được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhiều bạn tôi rưng rưng nước mắt. Bài hát ấy phần nào đó đã xây đắp lên cuộc sống của chúng tôi hôm nay.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là khi tiếp nhận một ca khúc, phần nào là đời sống riêng của ca khúc đó, được xây đắp từ trải nghiệm của người nghe và phần nào là từ ấn tượng về con người nhạc sĩ. Cũng như vậy khi viết một ca khúc thì phần nào là nhạc sĩ dành trọn vẹn cho công chúng còn phần nào là dành cho mình, gia đình mình? Chúng ta sẽ đọc những câu chuyện của Hồng Tuyến để khám phá. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc chắn văn chính là đời. Nhạc sĩ sống thế nào thì tác phẩm thể ấy khó có thể nào tách được ra. Cũng như vậy, ta nghe gì thì ta là thế ấy, những gì ta nghe và ta yêu thích cũng chính là con người ta.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ cảm xúc trong buổi giao lưu. Clip: Hà Thúy Phương
Vậy thì có quá nhiều phần trong con người chúng ta được hình thành từ những ca khúc ta yêu mà ta không biết. Với tôi, đó là "Chiếc đèn ông sao", "Đêm pháo hoa", "Cô và mẹ", "Trường cháu là trường Mầm non", "Tiễn thầy giáo đi bộ đội", "Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội"... rồi lớn lên là "Như có Bác trong ngày đại thắng", "Hà Nội Điện Biên Phủ" ...
Cuốn sách "Bài hát lớn lên cùng con" của tác giả Phạm Hồng Tuyến không chỉ là món quà của riêng tác giả dành tặng bố của mình mà đó còn là những hồi ức để chúng ta cùng nhau chia sẻ. Chúng ta hiểu rằng lịch sử tồn tại trong hồi ức và nếu hồi ức tồn tại nghĩa là lịch sử còn sống. Khi đọc câu chuyện này, độc giả sẽ thấy được những hồi ức qua các thời kỳ đang được nhắc lại. Đây là thành công của tác giả khi đã chạm đến trái tim người đọc bằng cách viết hồn nhiên giản dị. Qua đó, chúng ta thêm yêu quý, tự hào về cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên và một thời chúng ta đã đi qua.
Với giọng văn chân thành cởi mở, nhà báo Hồng Tuyến sẽ gợi lên ở chính bạn những ký ức và suy ngẫm về chính mình và thế hệ mình để hướng đến tương lai. Soi lại vào gương mặt trẻ thơ khi đọc cuốn sách này có thể chúng ta sẽ tìm được vẻ đẹp, sức mạnh và lẽ sống.
Trong buổi giao lưu, tác giả Phạm Hồng Tuyến chia sẻ: "Các bài hát của bố tôi đều là những sáng tác chung cho mọi người cùng hát. Những sáng tác của bố tôi giúp cho mọi người có thể nhìn thấy mình trong đó. Tôi vẫn nhớ câu chuyện khi mình bắt đầu tham gia mạng xã hội vào khoảng 10 năm trước. Khi đó, tôi đã lần đầu được nghe giọng hát của mình trên mạng xã hội. Sau khi tôi chia sẻ bài hát đó, nhiều người đã nhận ra giọng hát khi còn nhỏ của tôi. Nhờ câu chuyện này, mọi người đều nhận ra và nhìn thấy cuộc sống tuổi thơ của chính mình.
Từ những câu chuyện từ thuở còn sống tại khu tập thể Khương Trung, Hà Nội, tôi đã viết và lựa chọn những câu chuyện ấn tượng nhất của bản thân. Trong quá trình viết, tôi cũng phải lựa chọn, biên tập và rút gọn để câu chuyện liền mạch và có cốt truyện. Từ quá trình tuổi thơ đến khi sơ tán, tôi đã xây dựng nên một cuốn sách liền mạnh, gắn kết dựa trên những nỗi nhớ và ký ức của mình".
Có mặt tại buổi giao lưu, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn rất minh mẫn, ông theo dõi mọi người chia sẻ một cách chăm chú và xúc động mỉm cười nhiều lần. Cuối buổi giao lưu, ông gửi lời cảm ơn đến những người thân cùng các khán giả đã ủng hộ các ca khúc của ông trong nhiều năm qua. Sự có mặt của nhạc sĩ Phạm Tuyên tại buổi giao lưu đã khiến tất cả khách mời xúc động với những tràng vỗ tay không ngớt.