Hơn 10 năm qua, vợ chồng ông Trần Văn Toán (79 tuổi) và bà Đỗ Thị Do (77 tuổi), trú thôn Bắc, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình sống nhờ vào nghề chẳng giống ai. Gia đình có con trâu, mỗi ngày ông bà đưa trâu ra khu di tích Cố đô Hoa Lư chăn thả và hành nghề cho khách du lịch cưỡi.
Ông Toán cho biết, hơn chục năm trước gia đình ông mua con trâu về để phục vụ công việc cày bừa. Lúc nông nhàn, ông bà đưa trâu ra khu vực gần đền vua Đinh - Lê chăn thả cho trâu ăn cỏ. Thời điểm này, nhiều du khách quốc tế đến tham quan nơi đây thấy con trâu cũng rất tò mò.
"Khi các du khách nước ngoài được hướng dẫn viên giới thiệu về vua Đinh Tiên Hoàng từng cưỡi trâu dẹp loạn 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, nhiều vị khách tò mò đến xem tận nơi con trâu Việt Nam, gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước và từng giúp vua làm nên lịch sử", ông Toán cho hay.
Nhiều lần như vậy nên ông nghĩ ra việc cho du khách thuê trâu chụp ảnh, cưỡi lên lưng trâu, tay cầm cờ lau như trong tích truyện còn lưu truyền về vua Đinh. "Thấm thoát từ những ngày đầu làm nghề, vậy mà đến nay tôi đã trải qua hơn 10 năm gắn bó với công việc chẳng giống ai này".
Tranh thủ lúc chưa có khách đến, ông Toán tâm sự thêm, sinh ra ở mảnh đất Trường Yên lịch sử, nơi từng là kinh đô Hoa Lư. Nơi đây gắn với 3 vị vua đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, từ đời này qua đời khác mọi người ở đây đều truyền tai nhau về các câu chuyện lịch sử về các vị vua.
Cũng từ đây mà người Trường Yên quê ông khi được hỏi về lịch sử vua Đinh, vua Lê, vua Lý đều thuộc vanh vách. Mỗi khi làm nghề cho khách cưỡi trâu, ông cũng chia sẻ với mọi người về ý nghĩa của con trâu gắn với người nông dân Việt Nam từ cả nghìn năm trước, vì vậy mà du khách rất tò mò.
Công việc của ông Toán bắt đầu từ 7h sáng, đưa trâu ra khỏi nhà dẫn đến những nơi có cỏ chăn thả cho trâu ăn no. Sau đó ông đưa đến sân lễ hội trước đền vua Đinh - Lê để hành nghề. Nhằm thu hút khách, ông trang trí lên đầu trâu những bông hoa, trải lên lưng trâu chiếc thảm đỏ.
"Mỗi một khách cưỡi lên lưng trâu để chụp ảnh tôi xin họ 20.000 đồng, không tính thời gian là bao nhiêu lâu. Có người cho ít, người cho nhiều, số tiền này vợ chồng tôi dùng để đong gạo, mua thức ăn, phần còn lại mua cám chăm chút thêm cho con trâu khỏe mạnh", ông Toán nói.
Bà Đỗ Thị Do tiết lộ, ngày ít thì vợ chồng ông bà được chừng 100 nghìn, ngày đông khách thì khoảng 200 nghìn. Mỗi tháng cộng dồn lại cũng được tiền triệu. Với tuổi già như ông bà, số tiền này đủ trang trải cho cả tháng.
"Khách đến tham quan cố đô thì đông lắm, nhưng hôm nào may mắn thì mới có nhiều khách cưỡi trâu chụp ảnh. Nhờ nghề chẳng giống ai này, vợ chồng tôi cũng có thêm chút thu nhập lúc tuổi già. Chúng tôi chưa phải nhờ đến con cháu dù năm nay đã gần 80 tuổi", bà Do tâm sự.
Để có sức khỏe phục vụ khách, con trâu được ông bà chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ. Từ lâu, con trâu không phải ra đồng cày bừa ruộng nữa mà chỉ ra làm mỗi công việc phục vụ khách cưỡi và chụp ảnh.
Anh Bùi Minh Đường - du khách từ TPHCM chia sẻ: "Đến cố đô Hoa Lư được nghe chuyện về vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu dẹp loạn 12 sứ quân nên tôi cũng chụp bức ảnh với con trâu của ông bà già làm kỷ niệm để lưu dấu chuyến đi về miền cố đô nghìn năm".
Ông Alexander - du khách nước Anh nói: "Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và đến tham quan Ninh Bình. Cũng lần đầu tiên tôi được thấy con trâu gắn với nền nông nghiệp của các bạn và cưỡi lên lưng nó. Rất thú vị".