Dân Việt

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng”

Hoàng Thành 21/02/2023 12:37 GMT+7
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng, một số đại biểu HĐND trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế hoặc còn nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn thảo luận, tranh luận, chất vấn.

Sáng 21/2, Trưởng Ban Công tác đại biểu của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Thị Thanh đã báo cáo tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Còn một số ít tỉnh, thành phố còn thiếu Trưởng Ban

Theo báo cáo, năm 2022, tổ chức bộ máy của HĐND cấp tỉnh được kiện toàn thường xuyên, phù hợp với tình hình công tác cán bộ và đáp ứng yêu cầu thực tế của từng địa phương.

Số đại biểu HĐND năm 2022 giảm 42 đại biểu so với năm 2021 do chuyển công tác, thôi làm nhiệm vụ đại biểu, bãi nhiệm, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu do bị xử lý kỷ luật, khởi tố hoặc từ trần (đầu nhiệm kỳ 3.710 đại biểu, hiện nay còn 3.668 đại biểu).

Một số đại biểu HĐND còn ngại va chạm, nể nang, chưa mạnh dạn tranh luận, chất vấn - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh báo cáo tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Ảnh: Hoàng Thành.

Đáng chú ý, trong năm 2022, UBTVQH đã ban hành 9 Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND; 8 Nghị quyết phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND; kịp thời ban hành 6 Nghị quyết xử lý kỷ luật hành chính đối với Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND cho thấy tính nghiêm túc của UBTVQH trong việc xử lý kỷ luật cán bộ thuộc thẩm quyền.

"Số lượng các Ban HĐND đến thời điểm này không có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhân sự Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, số lượng Ủy viên các Ban ở một số tỉnh, thành phố có sự thay đổi do miễn nhiệm hoặc chuyển công tác, do thôi làm nhiệm vụ đại biểu, hoặc đã bị khởi tố, từ trần", báo cáo nêu rõ và nhấn mạnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã kịp thời kiện toàn các chức danh Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và số lượng Ủy viên các Ban đúng theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo vẫn còn một số ít tỉnh, thành phố còn thiếu Trưởng Ban.

Cũng theo báo cáo của UBTVQH, năm 2022, cả nước có tổng số 221 Trưởng Ban, trong đó có 167 Trưởng Ban hoạt động chuyên trách, có 46 Trưởng Ban là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, có 20 Trưởng Ban là cấp ủy viên.

Có tổng số 265 Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách và 31 Phó Trưởng Ban hoạt động không chuyên trách, trong đó có 2 Phó Trưởng Ban là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, 3 Trưởng Ban là cấp ủy viên. Trong năm 2022, có 11 Trưởng Ban được HĐND miễn nhiệm hoặc chuyển công tác, có 1 Trưởng Ban và 1 Phó Trưởng Ban được HĐND cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

Một số đại biểu HĐND còn ngại va chạm, nể nang, chưa mạnh dạn tranh luận, chất vấn - Ảnh 2.

Hội nghị có sự tham gia của Tham dự và chủ trì hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; tham dự hội nghị còn có gần 300 đại biểu, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Ảnh: Hoàng Thành.

Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách còn ít

UBTVQH đánh giá, năm 2022, hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương.

Nhiều địa phương, HĐND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

"Qua triển khai thực hiện các Nghị quyết đã phát huy hiệu quả, giúp các địa phương chủ động, sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…", UBTVQH đánh giá.

Một số đại biểu HĐND còn ngại va chạm, nể nang, chưa mạnh dạn tranh luận, chất vấn - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Thành.

Bên cạnh những điểm đạt được, UBTVQH cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Ví như, quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND chưa thật rõ, ví dụ thẩm quyền về điều chỉnh hệ số đất và hệ số điều chỉnh giá đất;

Hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, chủ yếu tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử trước và sau kỳ họp thường lệ, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi làm việc, nơi cư trú còn ít... Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số các cơ quan có thẩm quyền còn kéo dài, quá thời hạn quy định. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị, kết luận qua giám sát chưa được thường xuyên và triệt để.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó về khách quan, UBTVQH cho rằng hệ thống văn bản pháp luật ngày càng nhiều và có sự phân cấp dần cho các địa phương, trong khi đó UBND cấp tỉnh chưa kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu trình HĐND cấp tỉnh ban hành theo quy định.

Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chậm được ban hành như các hướng dẫn về việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 hoặc còn có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, gây khó khăn cho việc thực hiện.

"Một số cơ quan ngành dọc như Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Thi hành án dân sự, thuế... hoạt động và thực thi pháp luật có ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích của nhân dân địa phương nhưng đại biểu không có quyền chất vấn thủ trưởng các cơ quan này do không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định của pháp luật.

Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; một số nội dung cần phải có nội dung, lộ trình, nguồn lực hoặc hướng dẫn của Trung ương nên chưa giải quyết được dứt điểm", UBTVQH nêu rõ.

Về nguyên nhân chủ quan, UBTVQH nhận định, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của HĐND được giao ngày càng nhiều, trong khi số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách còn ít. Bên cạnh đó, một số đại biểu trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế hoặc còn nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn thảo luận, tranh luận, chất vấn.

Tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan giúp việc HĐND còn ít chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ; chất lượng chưa đồng đều. Cơ sở vật chất, chế độ bồi dưỡng, đào tạo và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND còn hạn chế, bất cập.