Nhiều năm nay, tại một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM có nhiều tên đường được đặt trùng nhau.
Ví dụ như cùng ở quận 11 nhưng có đến 2 tuyến đường mang tên Nguyễn Thị Nhỏ (ở phường 15 và phường 16). Tên đường Trần Hưng Đạo có cả ở quận 1, quận 5 và quận Tân Phú. Tên đường Phan Văn Trị đều có ở quận Gò Vấp và quận 5. Đường Hoàng Hoa Thám ở quận Tân Bình và Bình Thạnh...
Với người dân sống lâu năm tại thành phố hoặc ở các khu vực này đã quen với việc trùng tên đường, tuy nhiên đây lại là khó khăn không nhỏ cho du khách, du lịch hoặc công tác quản lý hành chính.
Theo thống kê của Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM, cả thành phố hiện có 311 đường trùng tên với 132 tên đường. 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử, địa danh hoặc đặt tên sai so với quyết định của UBND TP. 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, số còn lại gồm những tên đường là các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ hoặc húy kỵ...
5 tuyến đường gắn bảng sai tên nhân vật lịch sử so với quyết định của UBND TP.HCM gồm: Bùi Hữu Diện (tên đúng là Bùi Hữu Diên), Đoàn Minh Triết (tên đúng là Đoàn Triết Minh), Đỗ Quang Cơ (tên đúng là Đỗ Cơ Quang), Nguyễn Chánh Sắc (tên đúng là Nguyễn Chánh Sắt), Nguyễn Trọng Trí (tên đúng là Nguyễn Trọng Trì).
Có 6 đường sai do quyết định của UBND TP.HCM sai họ tên nhân vật lịch sử gồm: Dương Tự Quán (tên đúng là Dương Tụ Quán); Phan Khiêm Ích (tên đúng Phạm Khiêm Ích); Lê Đình Quản (tên đúng Nguyễn Đình Quản); Hoàng Xuân Hoành (tên đúng Hoàng Xuân Hành); Phạm Thị Hối (tên đúng Phan Thị Hối); Raymondienne (tên đúng Raymonde Dien).
Ngoài ra, TP cũng tồn tại 8 đường mà các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác, cần điều chỉnh cho đúng như: Kha Vạn Cân có tên đúng là Kha Vạng Cân; Lương Nhữ Học - Lương Như Hộc; Trương Quốc Dung - Trương Quốc Dụng; Hoàng Đức Tương - Hoàng Đức Lương; Nguyễn Duy Dương - Võ Duy Dương; Nguyễn Văn Tráng - Phạm Văn Tráng...
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM cho biết, Sở đã phối hợp với địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn.
Việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến đường được xây mới và đưa vào sử dụng, một số tổ chức, đơn vị đã chủ động đặt tên đường theo số thứ tự, chữ cái A, B, C hoặc tên địa danh gắn với số thứ tự.
Theo ông Hoàng Anh, sắp tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan lấy ý kiến của người dân, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn để có phương án điều chỉnh tên đường phù hợp nhất; trong đó, đặt mục tiêu là hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi đổi tên đường.