Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận cảnh tượng người dân bị chó thả rông không đeo rọ mõm tấn công phải nhập viện cấp cứu. Có trường hợp bị chó cắn tử vong thương tâm, ám ảnh như cháu bé 7 tuổi bị đàn chó 6 con lao vào tấn công tới chết xảy ra cách đây ít năm tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; ông chủ bị chính 4 con chó do mình nuôi lao vào cắn xé, nhiều người phải dùng gậy đánh chó mới có thể cứu được; có em bé bị cắn nát mặt, phải khâu chằng chịt; có em bị cắn đứt khí quản…
Đã có vụ việc chủ nuôi chó bị khởi tố nhưng tình trạng thả rông chó, không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến; tình trạng chủ nuôi không tiêm vaccine phòng dại cho chó khiến mỗi năm hàng trăm người tử vong vì bệnh dại vẫn còn tồn tại. Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là có nên mạnh tay xử lý chủ vật nuôi? Cơ quan chức năng quản lý ra sao? Loạt bài của Báo Dân Việt phần nào nêu ra những thực trạng đang tồn tại cần sớm được giải quyết!
Ngày 21/2, ông Đặng Công Hoan, quyền chủ tịch UBND phường Bắc Cường, cho biết đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ hai con chó cắn nam sinh viên Trường cao đẳng Lào Cai theo nghị định số 4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 90/2017.
Ông Hoan cho hay, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bị xử phạt 1,5 triệu đồng.
Trước đó, khoảng 17h chiều 18/2, Hoàng V. (sinh viên Trường cao đẳng Lào Cai) đang chạy bộ thể dục ở một khu đô thị thuộc phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) thì bị hai con chó to lao vào cắn.
"Khi bị tấn công, tôi cố gắng phản kháng nhưng hai con chó cắn vào chân, tay rồi quật ngã tôi. Lúc này hai con chó tiếp tục cắn xé tôi. Rất may sau đó có người dân đi qua phát hiện, cứu giúp và đưa tôi đi cấp cứu", V. sợ hãi kể lại.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hoảng loạn, có khoảng 10 vết thương lớn gây rách sâu phần mềm và nhiều vết thương do răng chó cắn gây nên.
"Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, tinh thần tạm ổn định. Những vết thương do chó cắn rất nhiều vi khuẩn, có thể chứa độc tố, nguy cơ nhiễm trùng rất cao nên chúng tôi phải theo dõi trong vài ngày, nếu không có nguy cơ nhiễm trùng thì mới có thể khâu lại", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thông tin thêm.
Trước đó, ngày 19/2, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xác nhận, sáng cùng ngày, hai du khách người nước ngoài bất ngờ bị con chó nặng khoảng 20kg lao tới cắn và chỉ dừng lại, rồi bỏ chạy khi có nhiều người tới đuổi đánh.
Theo bác sĩ Trần Bảo Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, một trong hai nạn nhân mới 19 tuổi nhập viện trong tình trạng có hai vết thương dài 8cm và 10cm trên cánh tay phải, đứt cơ nhị đầu cánh tay, ngoài ra còn có một số vết xây xát ở tay trái và đùi chân phải… Sau khi tiến hành tiểu phẫu, khâu cơ và vết thương, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được chuyển đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng tiếp tục điều trị.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn có tình trạng chó thả rông không rọ mõm đuổi cắn nhau, thậm chí có đàn chó thấy người lạ liền lao tới cắn sủa ầm ĩ khiến nhiều người dân xung quanh cảm thấy phiền hà xen lẫn sợ hãi.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Mai Ngọc (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vẫn còn run sợ khi kể lại lần bị chó nhà hàng xóm tấn công, cắn vào chân phải vào viện điều trị.
"Tôi nhớ mãi hôm đó đang đi đường thì con chó cỡ hơn 20kg lao thẳng ra cắn vào bắp chân. Tôi hoảng sợ ngã xuống. Cũng may sau đó hàng xóm xung quanh thấy lao tới đuổi con chó đi. Lo sợ chó dại cắn nên sau tôi đi bệnh viện khám đồng thời tiêm phòng dại. Chủ chó sau cũng liên hệ xin lỗi vì sự cố không may đó. Đến giờ mọi việc đã qua nhưng nghĩ lại tôi vẫn chưa hết sợ", chị Ngọc nói.
Còn với anh Vũ Văn Thắng (30 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa thể quên lần mình bị chó nhà hàng xóm lao vào cắn. "Chân tôi giờ vẫn còn vết sẹo do chó nhà hàng xóm cắn dù đã qua nhiều năm. Khi ấy quá lo sợ, gia đình tôi cũng sơ cứu rồi đưa đi tiêm phòng dại", anh Thắng nhớ lại.
Theo anh Thắng, mặc dù pháp luật nước ta đã có những chế tài cụ thể để xử lý đối với chủ chó khi vi phạm quy định dẫn đến chó cắn người. Tuy nhiên anh cho rằng các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với chủ nuôi chó khiến họ vẫn còn chủ quan, thờ ơ, chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi đặc biệt là các loại chó dữ, ban hành các quy định riêng để cấm và hạn chế những loại vật nuôi hung dữ nguy hiểm kèm theo đó là đề xuất tăng mức xử phạt hành chính cao hơn mức phạt như hiện nay.
Đồng thời, chính quyền cần thường xuyên phối hợp thực hiện việc vây bắt những con chó thả rông, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở nơi công cộng, nếu chủ không đến nhận và nộp phạt sẽ lập tức tiêu huỷ những con chó đó", anh Thắng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế), cho biết trong tháng 1/2023, các cơ sở y tế trong cả nước thống kê được trên 50.000 người bị chó cắn, mèo cào phải tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh dại. Con số này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, thông thường vào dịp nghỉ tết hàng năm, số người bị chó cắn, mèo cào đều cao hơn tháng bình thường. Đặc biệt, năm 2023, cả hai dịp nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán đều rơi vào tháng 1 nên số ca chó cắn ghi nhận nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trong 2 kỳ nghỉ tết năm nay, người dân có nhu cầu đi lại, về quê nhiều hơn sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số ca bị chó cắn, mèo cào cũng tăng cao hơn so với năm 2022, 2021. Điều này cho thấy, chó thả rông, không được xích nhốt là nguy cơ đe dọa sự an toàn, sức khỏe của người dân khi đi lại trên đường, vui chơi tại nơi công cộng.
Theo thống kê của Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người ở 34 tỉnh, thành tử vong vì bệnh dại, tăng 17 người so với năm 2021. Trong đó, tại Phú Thọ có 1 trường hợp tử vong sau 6 tháng bị chó cắn và không tiêm vaccine phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, số ca tử vong vì bệnh dại có xu hướng tăng ở địa bàn miền Trung và Nam bộ.
Còn nữa!