Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ việc chó không rọ mõm tấn công người đi đường, có trường hợp tử vong.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như: không đeo rọ mõm, không có xích dắt, không tiêm phòng dại... để chó cắn gây thương tích hoặc làm chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
"Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc chó cưng cắn người. Đặc biệt đã có nhiều vụ gây hậu quả chết người. Thế nhưng, chủ vật nuôi lại chưa có các biện pháp để phòng tránh như đeo rọ mõm cho chó khi đi ra ngoài, có xích để dắt, tiêm phòng dại… Theo quy định tại điểm Khoản 3 Điều 1 Quyết định 193/QĐ-TTg về chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình.
Bên cạnh đó, chủ nuôi chó còn phải thực hiện việc tiêm vaccine phòng dại; cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp. Đồng thời, căn cứ khoản 2 theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm phòng vacine phòng bệnh dại cho chó hoăc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…", luật sư Tùng thông tin.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh nhấn mạnh, theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
"Trong trường hợp chó không rọ mõm cắn chết người hoặc gây thương tích cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật hình sự.
Mức hình phạt đối với chủ chó có thể tới 5 năm tù (nếu 1 người chết) hoặc đến 12 năm tù (nếu 3 người chết trở lên). Bên cạnh đó, chủ chó còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị chó cắn. Đây là quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự", luật sư Thanh phân tích.
Ngoài ra, luật sư cho hay, hiện nay, nhiều người dân, kể cả các em thiếu nhi có thú vui dắt cho cảnh dạo trên đường phố, kể cả ở các tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, việc nhận thức và hiểu các quy định về việc nuôi chó nhiều người còn chưa biết, chưa hiểu nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công cộng, công viên, trường học.
Nhiều vụ việc chó căn người chủ yếu là do tâm lý chủ quan, cẩu thả của chủ nuôi, không tuân thủ các quy định của pháp luật khi nuôi chó. Đồng thời khi xảy ra sự việc mà hậu quả chưa nghiêm trọng thì chủ yếu do hai bên thoả thuận với nhau, không có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì thế mà ngày càng xảy ra nhiều vụ việc như trên và hậu quả cũng vô cùng đáng tiếc.
"Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp thiết thực, mạnh tay hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đối với chính quyền địa phương, cần làm rõ được vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác quản lý chó nuôi.
Đảng uỷ, UBND các cần chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến đồng loạt tại các tổ dân phố. Đồng thời, UBND các phường cần thành lập các tổ bắt chó thả rông và triển khai bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", luật sư Tùng thông tin.
Tuy nhiên, theo luật sư Tùng, quan trọng nhất là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật khi nuôi chó. Nội dung tuyên truyền đi sâu việc phổ biến pháp luật, vai trò tác dụng của việc tiêm phòng vaccine dại cho chó mèo, khi mang chó ra nơi công cộng bắt buộc phải có rọ mõm, có xích, có người dắt.
"Không nên nuôi các loài chó to, giống chó giữ, nhất là gia đình có người già, trẻ nhỏ, tùy điều kiện khuôn viên trong gia đình để nuôi các giống chó cho phù hợp. Tuyên truyền phổ biến những hành vi bị xử lý khi vi phạm, không chấp hành quy định về tiêm phòng, để chó cắn người, mất vệ sinh môi trường...", luật sư Tùng nói thêm.
Về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với chủ nuôi chó khiến họ vẫn còn chủ quan, thờ ơ, chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi đặc biệt là các loại chó dữ; ban hành các quy định riêng để cấm và hạn chế những loại vật nuôi hung dữ nguy hiểm kèm theo đó là đề xuất tăng mức xử phạt hành chính cao hơn mức phạt như hiện nay. Đồng thời, chính quyền cần thường xuyên phối hợp thực hiện việc vây bắt những con chó thả rông, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở nơi công cộng, nếu chủ không đến nhận và nộp phạt sẽ lập tức tiêu huỷ những con chó đó", luật sư Thanh cho hay.
Còn nữa!