Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 37/TB-VPCP tại Hội nghị Đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng đã xem xét, trả lời một số kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó có 11 vấn đề đã được Thủ tướng cho ý kiến kết luận.
Đầu tiên là về vấn đề doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Thủ tướng giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các ý kiến của Tổng LĐLĐVN bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan.
Tổng LĐLĐVN phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, chủ động đánh giá những vướng mắc trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức Công đoàn theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn và khoản 1 Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ cũng trả lời các kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan tới Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".
Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam về các chính sách liên quan nhà ở cho công nhân, người lao động, nhà cho công nhân thuê trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014; phối hợp với các bộ, cơ quan được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu đối với những nội dung liên quan; chủ trì phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan, trình Chính phủ.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tổng hợp nội dung đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ Xây dựng nghiên cứu, lồng ghép Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐVN" trong Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Một số nhóm vấn đề cũng được Thủ tướng trả lời như: Chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam; Về chính sách phát triển giáo dục mầm non; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở các đơn vị, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; về đề nghị xây dựng Nghị định thực hiện Luật Khám chữa bệnh có quy định về việc nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân lao động; khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp...
Ngoài ra Thủ tướng cũng trả lời kiến nghị về vấn đề tiền lương. Thủ tướng đề nghị sớm thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu về đánh giá, xác định và công bố "mức sống tối thiểu" của người lao động và gia đình người lao động. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu ý kiến của Tổng LĐLĐVN để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, làm cơ sở Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hằng năm.