Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn cho hay, chính sách thu hút mà TP xây dựng cơ bản dựa trên bốn nội dung: Hỗ trợ ban đầu, thu nhập hàng tháng với chuyên gia và người có tài năng đặc biệt; với nhà khoa học có công trình nghiên cứu hiệu quả hưởng mức không quá 1% tổng mức chi cho công trình nghiên cứu và không quá 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn có chính sách về nhà ở.
Qua đó, TP thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Khu công nghệ cao; Sở Khoa học công nghệ TP cũng tuyển chọn 4 chuyên gia, nhà khoa học. Dù vậy, số lượng vẫn còn ít, chưa đạt như mong đợi.
Chính vì vậy, trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP đề xuất việc giao cho TP.HCM có quyền quyết định về chế độ, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay sau 15 năm, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trên địa bàn TP không ngừng tăng về lực lượng và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng TP. TP.HCM hiện có 21.210 người hoạt động trong lĩnh vực KHCN, trong đó có 118 giáo sư, 1.116 phó giáo sư, 6.870 tiến sĩ. TP có 371 tổ chức KHCN, 78 viện nghiên cứu, trên 135 nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế…
Tuy nhiên, theo ông Đức, các chính sách hiện nay chưa thu hút được trí thức. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc rất hạn chế, mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp… Các chính sách ưu đãi về thu nhập hiện chưa đủ để đảm bảo giữ chân đội ngũ, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao.
Ông Dương Anh Đức cho rằng, TP.HCM cần có chính sách thu hút nhanh, gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia cùng tham gia. Đặc biệt, cần sớm ban hành nghị quyết mới đảm bảo thu nhập cho cán bộ và đội ngũ trí thức đang công tác tại các đơn vị nhà nước.
Ngoài ra, vẫn còn có nhiều khó khăn trong đãi ngộ việc làm đối với đội ngũ trí thức cần được tháo gỡ. Cụ thể, trước đây việc đào tạo, bồi dưỡng được chi từ nguồn ngân sách, nhưng sau khi có Thông tư 36/2018 của Bộ Tài chính thì việc chi đào tạo cho viên chức phải sử dụng kinh phí của đơn vị, cá nhân, gây khó cho đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ trí thức.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP cần nhận thức toàn diện hơn nữa về việc thu hút đội ngũ trí thức một cách toàn diện hơn để có chủ trương trong hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện.
Ông nhìn nhận, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội; không chỉ của cả nước mà của cả khu vực. Vì vậy, phát triển TP phải dựa trên nền kinh tế tri thức. Dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP thừa nhận so với tiềm năng của TP thì TP chưa làm tốt vai trò kết nối đội ngũ trí thức vào công cuộc xây dựng sự phát triển của TP.
Để việc thu hút đội ngũ trí thức thật sự có hiệu quả, ông cho biết tới đây, TP sẽ đề ra chương trình đột phá, trọng điểm. Từ đó, TP sẽ huy động đội ngũ trí thức tham gia vào giải bài toán lớn của TP từ các chương trình, đề án.
"Quan trọng hơn là cơ chế để họ có thể làm việc ở tại TP. Kể cả người đang sống và làm việc tại TP, ở ngoài TP và ở nước ngoài muốn tham gia thì TP cũng sẽ có cơ chế. Cạnh đó là chính sách nhà ở, tiền lương cho đội ngũ", ông Mãi nói và cho biết, TP cũng đang dự thảo về nội dung này trong nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.