Sáng nay (24/2), kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2022-2023 chính thức diễn ra. Với môn Ngữ văn, học sinh sẽ làm bài trong thời gian 180 phút. Đề thi năm nay gồm 2 câu như sau:
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
Người xưa có câu "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay?
Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)
Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Theo một số giáo viên, đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023 khá hay.
Nhận xét về đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Lê Trần Diệu Thu, thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn cho biết: "Câu Nghị luận xã hội gắn với thực tiễn hiện nay, hỏi các em vấn đề xây dựng hình ảnh bản thân (xây dựng nhân hiệu) gắn với câu nói của người xưa "hữu xạ tự nhiên hương". Hữu xạ tự nhiên hương là tốt, tuy nhiên cần phải dựa vào cái mình đã có để xây dựng bản thân ngày một tốt hơn trong mắt mọi người. Tránh trường hợp "thùng rỗng kêu to" không có tố chất nhưng lại gây dựng nhân hiệu đẹp đẽ nhằm khoe mẽ hoặc lừa người,…
Với đề này, các em có thể đưa ra quan điểm cá nhân, phải có vốn sống, kiến thức để có thể lấy ví dụ thực tiễn khi trình bày bài viết. Học sinh toàn toàn có thể sáng tạo trong cách trả lời của mình".
Ở câu Nghị luận văn học, theo cô Thu, đề yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về một quan điểm luận bàn trong văn học: "Văn cũng từng ấy ký tự, từng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".
Thực chất câu hỏi này yêu cầu học sinh chỉ ra được quan niệm sáng tác, phong cách sáng tác, chủ đề, đề tài, nội dung,… mà mỗi nhà văn lựa chọn để sáng tạo nên tác phẩm văn học là khác nhau vì thế nó mới là "thế giới của riêng mình". Thế nhưng, những tác phẩm văn học lại phục vụ nhu cầu độc giả chứ không chỉ phục vụ riêng nhà văn nên "Thế giới của riêng mình nhưng không chỉ cho riêng mình" là vì vậy.
Đề này yêu cầu học sinh phải nắm chắc lý luận văn học, đưa lý luận vào bài viết, minh chứng qua những tác phẩm, tác giả cụ thể. Học sinh phát huy tối đa khả năng sáng tạo cũng như vốn từ, vốn hiểu biết mới có thể đạt số điểm tối ưu. Đồng thời, các em có thể đưa những dẫn chứng mở rộng, không bị hạn định bởi những tác phẩm cụ thể. Các em sẽ thỏa đam mê văn chương với vốn sống, với những tác phẩm các em yêu thích trong và ngoài nhà trường.
Với khoảng thời gian 180 phút cho 2 câu hỏi, học sinh có thể đưa ra câu trả lời toàn diện, bao quát, sâu sắc và hoàn chỉnh của mình. Đề thi đã có sự đổi mới tư duy, theo kịp chương trình giáo dục phổ thông mới, phát huy được năng lực của học sinh.
Thạc sĩ Phạm Thị Hương Quỳnh, Viện Ngôn ngữ học bày tỏ: "Đề thi không đặt ra vấn đề quá cao siêu mà vẫn có thể đánh giá được khả năng tư duy, suy luận của học sinh. Câu 1 khơi gợi cho học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân về câu nói của người xưa là "hữu xạ tự nhiên hương", câu số 2 nghị luận văn học có thể phân loại được khả năng lập luận cũng như những đánh giá của học sinh về chuyện viết văn cũng như cá tính riêng của từng tác giả thể hiện trong tác phẩm của mình. Đề thi giúp cho học sinh có thể tự bộc lộ năng khiếu của mình cũng như phân loại được những học sinh có khả năng trong phân tích, lập luận trong khi trình bày quan điểm của mình".
Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2022-2023 diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/2. Năm nay, có tổng cộng 4.589 thí sinh tham gia dự thi. Theo kế hoạch, dự kiến, giữa tháng 3 năm 2023, Bộ GDĐT sẽ công bố kết quả thi.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho hay: "Kỳ thi được tổ chức với mục tiêu động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học hướng đến năng lực, phẩm chất và chất lượng công tác quản lý; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chọn được nhân tài thật".