Đó là phát biểu của bầu Đức cách đây 5 năm về thượng tầng bóng đá Việt Nam. Bầu Đức kết luận rằng:"Tôi không sợ làm con sói cô độc. Không ai chiến đấu tôi sẽ chiến đấu cho. Chuyện này sẽ đi vào lịch sử. Tôi không tin 90 triệu người dân Việt Nam chấp nhận để một nhóm người thao túng".
Thực tế, bầu Đức luôn cô độc trong nhiều lần phản biện vấn đề chưa hợp lý của bóng đá Việt Nam. Bởi không phải ai cũng dám nói thẳng, dám nói thật giống bầu Đức về mặt trái của bóng đá Việt Nam.
Mùa bóng 2021, nhiều CLB muốn hủy giải chuyên nghiệp do dịch bệnh nhưng VPF không chấp nhận. HAGL của bầu Đức đang đứng đầu V.League và rộng cửa vô địch, nếu dừng giải thì đội bóng phố Núi thiệt thòi nhất bởi nhiều năm mới có một mùa giải tưng bừng. Nhưng bầu Đức vẫn chơi đẹp bằng cách lên tiếng phản ứng VPF và ủng hộ các CLB hủy giải.
Ngược lại, không phải ai cũng nhìn về cái chung cho sân chơi chuyên nghiệp, dù có những chuyện cần phản biện VPF. Điển hình HAGL phản ứng câu chuyện quyền lợi cho nhà tài trợ ở Điều lệ Cúp Quốc gia 2023, trước đó kiện VPF ra tòa vì liên quan đến Điều lệ ở V.League 2023. Chỉ có đại diện CLB Hòa Bình lên tiếng cùng HAGL trong cuộc họp trực tuyến diễn vào hôm (22/2).
Trong hai năm qua, bóng đá Việt Nam mất 3 đội chuyên nghiệp gồm Quảng Ninh bỏ V.League 2022, Cần Thơ bỏ giải hạng Nhất 2023, Sài Gòn FC chuyển giao cho Lâm Đồng. Mẫu số chung khiến nhiều CLB chuyên nghiệp "chết chìm" là do không có tiền, tức không tìm được nhà tài trợ để nuôi đội bóng.
Nhìn rộng hơn, CLB Nam Định nợ tiền vào lương vào năm ngoái, trước khi có nhà tài trợ mới để "đổi đời". Đội bóng Thành Nam còn từng rơi vào cảnh người hâm mộ "góp" tiền cho chơi. Bình Định FC có công văn gửi lãnh đạo tỉnh vào cuối năm ngoái để xin hỗ trợ kinh phí, mong có thêm các doanh nghiệp vào chung tay nuôi đội bóng...
Không kiếm được tiền để bóng đá nuôi bóng đá là lý do khiến bóng đá Việt Nam chịu cảnh chông chênh ở sân chơi chuyên nghiệp. Một tình trạng liên quan đến tiền là nhiều CLB chưa "cai sữa" ngân sách, bao gồm CLB Hải Phòng, Khánh Hòa, Hà Nội FC...
Hiện nghịch lý là các CLB chuyên nghiệp không phản biện VPF có quy định:"Nhà tài trợ chính được quyền quảng cáo ngành hàng độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến Giải". Tại sao nhiều CLB cần ngân sách hỗ trợ để tồn tại và lúc nguy khốn thì "kêu cứu", còn liên quan đến nhà tài trợ thì không phản ứng VPF cài "tài trợ không cùng ngành hàng"?
Nên nhớ, HAGL đã nhượng bộ VPF để đáp ứng các quy định về nhà tài trợ ở V.League 2023. Nhưng HAGL vẫn gửi đơn kiện VPF. Bầu Đức nêu quan điểm rất rõ ràng: "Luật cạnh tranh là của Quốc hội, là pháp luật nhà nước Việt Nam, VPF dám không tuân theo. Như vậy, VPF dám đứng trên luật pháp Việt Nam. Chúng ta nên nhớ rằng, dù ở bất kỳ quốc gia nào, không có bất kỳ ai được phép đứng trên pháp luật quốc gia".
"Đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa. Chúng tôi kiện cho 14 đội ở V.League và các đội hạng Nhất là cổ đông của VPF. Chúng tôi kiện không vì quyền lợi cho riêng HAGL mà chúng tôi kiện vì sự phát triển của V.League và bóng đá Việt Nam", bầu Đức tuyên bố kiện VPF vì sự phát triển của sân chơi chuyên nghiệp và HAGL không lấy một đồng tiền nào nếu thắng kiện.
Trong câu chuyện "tài trợ không cùng ngành hàng", có lẽ bầu Đức phải chấp nhận làm con sói cô độc giống như năm 2018...