Thế hệ tôi – thế hệ của những thằng "Cứ như đã rủ nhau - lũ chúng mình ùa vào giữa thế kỷ" có một niềm hạnh phúc lớn lao, một cái "lãi sống" là được gặp gỡ và giao lưu với bao thế hệ trước và sau mình dọc lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Từ cụ Hoàng Đạo Thúy (1900) cho đến các cụ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Đoàn Phú Tứ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Hữu Đang (1913, Xuân Diệu (1916), Huy Cận (1915)... rồi tới các cụ Chế Lan Viên, Tô Hoài (1920), Phạm Duy (1921) Hoàng Cầm (1922), Văn Cao (1923), Đặng Đình Hưng, Nguyễn Đình Thi (1924), Đoàn Chuẩn (1925), Trần Dần (1926), Việt Lang (1927), Lê Đạt (1929)...
Anh Dương Tường thuộc thế hệ 3x. Anh sinh 1932 đồng niên với anh Nguyên Ngọc.
Tôi gặp anh Dương Tường lần đầu tiên ở nhà Văn Cao. Một thân hình cũng nhỏ thó như Văn Cao, nhưng không râu và cặp kính cận dày cộp. Hình như đấy là mùa thu 1983 – mùa Văn Cao tròn "lục tuần". Hóa ra đây là người dịch "Anna Karenina" mà tôi từng đọc mê mải.
Văn Cao bảo "Dương Tường thơ lạ lắm", anh Tường cười một nụ cười hiền, rồi cứ thế tôi và Văn Cao với anh nhâm nhi "cuốc lủi". Khói thuốc lá mờ mịt căn phòng Văn Cao ở gác hai số 108 Yết Kiêu. Thỉnh thoảng hòa với khói thuốc lào trong tiếng rít điếu cày lọc xọc của Văn Cao. Tôi thầm nhủ "Ông này cũng là một tay ham chơi đây". Và quả thật Dương Tường chơi như làm, làm như chơi. Vậy mà đã uống rượu, hút thuốc cùng anh trong nhiều cuộc chơi được tới 40 năm. Lần cuối cùng có lẽ trong một sinh nhật của anh Hồng Đăng. Sau khi đã ngà say, anh bảo tôi: "Kha châm cho anh điếu thuốc". Tôi đưa thuốc cho anh ngậm vào môi và xòe lửa, mắt anh lim dim như ngủ. Còn đến xuân này, anh đã bước vào một giấc ngủ dài. Một giấc thiên thu.
Không ít lần, anh đến uống ở căn gác nhà tôi như Câu lạc bộ văn nghệ của một thời ở 60 Hàng Bông. Những lần ấy, anh thủ thỉ về khát vọng thơ của mình. Anh thích khai thác "con âm" ở "con chữ". Một bài rất điển hình.
Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
Tôi thấy cũng hay, tuy hơi điệu. Nhưng vui cùng anh, tôi biến tấu cách này thành một bài tiếp nối.
Thu se sẽ thu
Lúa se sẽ cốm
Em khe khẽ sóng
Ơi se sẽ tôi
Hôn se sẽ lửa
Trời se sẽ người
Đọc xong, anh cười mủm mỉm. Chả nói gì. Có lẽ anh biết tôi đùa. Mỗi người có một cách "ăn nằm" riêng với "con chữ". Chả ai giống ai. Cứ thế mà đi theo cách của mình. Một lần đầu xuân, anh bảo tôi: "Năm nay anh lục tuần. Em mừng tuổi anh nhé". Anh chả bảo thì mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ mỗi dịp Tết là thói quen của tôi rồi. Sau đó, hai anh em nhâm nhi cà phê không đường ngồi nhìn từ quán Bảo Khánh ra Hồ Thiền Quang. Tôi đọc câu thơ về "Các nàng gái": "Vắng bâng quơ tiếng chào mời cu cũ - Ai một lần mưa không quần áo chạy đi". Anh thì buông thõng: "Em đi – nhớt đêm – Đèn đường – Mủ đêm". Thế rồi rót rượu. Hình như đằng sau sự vui, anh thường thoáng buồn.
Người đời thích câu "Tôi đứng về phe nước mắt" của anh. Tôi thì thấy triết lý quá. Nhưng tôi lại rất cảm mến câu "Chiều buông đầy những thở dài". Chính câu câu này là tít cho cuộc trình diễn của anh và các đàn em văn nghệ ngày 19/10/2005 tại L'Espace - Trung tâm văn hóa Pháp ở 24 Tràng Tiền - Hà Nội. Trong cuộc trình diễn này, Dương Tường đọc thơ còn Vũ Dân Tân chơi piano, Nguyễn Quang Huy chơi video, Nguyễn Minh Thành chơi sắp đặt, Trương Tân chơi trang phục. Hôm ấy, Dương Tường xuất hiện trong bộ quần áo do Trương Tân thiết kế, giữa tiếng piano của Vũ Dân Tân. Cuộc ấy cho thấy Dương Tường thật ham vui, sống quên tuổi tác.
Dương Tường mê hội họa. Đam mê ấy đã truyền lửa sang con gái anh. Từ nhiều năm, Gallerry Mai là một địa chỉ sưu tập tranh có tiếng ở Hà Nội. Từ căn nhà ở ngõ Phan Huy Chú, Mai đã phát triển ra phố Hàng Bông bề thế.
Dương Tường đa tài, nhưng Hội duy nhất của anh là Hội viên chính thức là Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Dương Tường là một dịch giả có hạng có lẽ vì là người mê sách, muốn mang những cuốn sách hay của thế giới để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Bạn anh, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh rất nể trọng anh về việc mê sách của anh. Ngày còn là bộ đội, sau một trận đánh, những người khác thì nhặt đồ hộp, chiến lợi phẩm, còn Dương Tường thì nhặt sách. Ở trận đánh trong chiến dịch Hà Nam Ninh cuối năm 1949 Dương Tường nhặt được "Phía Tây không có gì cả" của Remarque. Còn ở trận chùa Cao – Ninh Bình lại nhặt được ở trên bàn tên đồn trưởng cuốn truyện vừa trong đó có "Bức thư của người đàn bà không quen" của Stefan Sweig.
Với 70 đầu sách dịch xuôi, anh đã gửi đến bạn đọc bao nhiêu kiệt tác thế giới. Còn lần duy nhất anh dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh là bản dịch "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Nhờ thế anh như cây cầu nối văn hóa thế giới với Việt Nam và lần tận hiến này của anh đã được Chính phủ cộng hòa Pháp ghi nhận bởi Huân chương "Đại sứ nghệ thuật và văn học". Bài diễn văn tự anh viết bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Việt cho bạn bè đọc. Trong bài có chi tiết khi anh nhập ngũ ra trận đánh Pháp, trong ba lô người lính là cuốn từ điển ngôn ngữ Pháp dày cộp và tập thơ "Con tàu say" của Arthur Rimbaud. Thật là đáng khâm phục về sự tự học.
Mới ít ngày trước, tôi còn ngồi uống với Nam Dao – nhà văn Canada gốc Việt, Nam Dao nói rằng, lần này về định thăm anh Dương Tường nhưng anh đã nằm ở khu cách ly ở bệnh viện. Nói rồi thở dài: "Đời người mà. Chẳng ai thoát Sinh – Lão – Bệnh – Tử". Với Dương Tường cuộc chơi đã dừng lại vào tối 24/3/2023. Nhưng cái mà anh đã để lại cho đời còn nhiều hơn tuổi thọ của anh. Một cặp mắt nhìn đời xuyên thấu như bài viết của Văn Cao viết tặng anh.
Những con mắt khảm vào phố cũ
Như những mảnh chai
Hàng ngày rụng và không ai buồn nhớ
Những chỗ nào thôi lấp lánh
Phố cũ đẹp vì những con mắt ấy
Tôi ở đây tôi sinh ra ở đây tôi
Không thể quên được phố của tôi...
Vâng! Không ai có thể quên được con ngõ phố Phan Huy Chú, nơi biết bao bạn bè đã đến với anh và tiễn anh đi xa.