Trong làng bình luận bóng đá tại Việt Nam, những ông Hoài Sơn, Huy Hinh, Xuân Bách, Trần Kiên hay nhà báo Đình Khải... chính là những "cây đa, cây đề", những người đặt nền móng cho nghiệp BLV bóng đá ở mảnh đất hình chữ "S" và từng gắn bó với nhiều thế hệ người yêu bóng đá Việt Nam từ trước những năm 1975 cho tới những thập niên 90 của thế kỷ trước.
Mới đây, một trong những "cây đa, cây đề" kể trên đã đi vào cõi vĩnh hằng, đó là BLV Lê Hoài Sơn. Cụ thể vào sáng nay (27/2), Trợ lý Chủ tịch VFF - ông Lê Hoài Anh đã thông báo về việc cha mình từ trần.
"Và thưa các bạn, tiếng còi của trọng tài đã vang lên kết thúc trận đấu giữa CAHN và Thể Công trên sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội. Kết quả trận đấu là 1-1, bàn thắng chia đều cho cả hai đội. Buổi tường thuật trực tiếp được thực hiện bởi Hoài Sơn, Đình Khải, Xuân Bách, Trần Kiên và Trung tâm kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Ký ức về những buổi tường thuật bóng đá trên sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội hiện về như mới vừa ngay đây; và hôm nay 27/2/2023 vào lú 09h40 tiếng nói ấy đã ngưng lại", Trợ lý Chủ tịch VFF - ông Lê Hoài Anh gửi lời vĩnh biệt tới cha mình - BLV Hoài Sơn, trên trang facebook cá nhân.
Ông Lê Hoài Sơn sinh năm 1945 tại Hà Nội trong gia đình trí thức. Từ nhỏ, ông đã theo cha đi kháng chiến chống Pháp cùng gia đình tại chiến khu Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm học phổ thông tại Trường Lương Ngọc Quyến, ông là một học sinh thông minh, lanh lợi, có học lực tốt và thể hiện năng khiếu thể thao, yêu thích các môn bóng đá, bóng bàn, điền kinh và đã từng giành giải môn bóng bàn Các cây vợt trẻ tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1963, ông thi vào khoa Hóa, Đại học Tổng hợp, Hà Nội nhưng bài không được chấm điểm, vì khi đó xét lý lịch thì do bà cụ thân sinh của ông có cửa hàng kinh doanh tân dược nên ông không được gọi học.
Ông đã lên núi làm "sơn tràng" để tự lo cuộc sống cho mình trước khi trúng tuyển vào học khóa I - Hệ Đại học Trường Cán bộ TDTT Trung ương - Từ Sơn - Bắc Ninh và đã vượt qua đợt xét lý lịch sau khi kết thúc học kỳ I của Trường. Ông có kể lại trong số khoảng hơn 160 sinh viên của khóa I sau đợt xét lý lịch còn lại khoảng hơn 70 người, ông là 1 trong số hơn 70 người còn ở lại Trường khi đó.
Ông là một trong số các sinh viên xuất sắc của khóa I - Hệ Đại học Trường Cán bộ TDTT Trung ương, đồng niên khóa với các sinh viên xuất sắc, những người trở thành những cán bộ nòng cốt của Tổng cục TDTT sau này như ông Trần Duy Ly - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng, Quyền Chủ tịch LĐBĐVN khóa IV; Cố Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng, Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ông Trương Quang Trung;...
Sau khi ra trường năm 1967, ông có thời gian công tác 17 năm tại Nhà xuất bản TDTT (từ năm 1967-1984), từ biên tập viên đến phụ trách phòng Biên tập Nhà xuất bản TDTT. Sau đó, ông lần lượt công tác tại Ban Tuyên truyền, Văn phòng Tổng cục TDTT, Trưởng Ban biên tập Tạp chí thể thao cho đến tháng 10/2006, khi ông nghỉ hưu.
Ông đến với chương trình tường thuật bóng đá trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam từ năm 1967 dưới sự hướng dẫn của người chú rể, cụ thân sinh ra biên tập viên Xuân Bách, cụ Nguyễn Văn Thu – Cố Phó Tổng Biên tập, Trưởng Ban đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam.
Ông nổi trội về khả năng xử lý thông tin, trí nhớ tốt, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sống động ở tốc độ cao nên các buổi tường thuật trận đấu ông tham gia có sức lôi cuốn với những thính giả nghe Đài phát thanh của cả nước trong những năm 70 đến cuối những năm 90, được rất nhiều người biết đến và yêu mến.
Ngoài khả năng nói, ông là người có khả năng viết và thường "sản xuất" rất nhanh các bài báo, phóng sự, lời phát biểu, kịch bản dẫn chương trình, điểm tin thể thao tuần trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ông đã sống một thời sôi nổi hết mình vì công việc. Ngoài tham gia các buổi tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh, ông còn tham gia bình luận World Cup Mexico 1986, Italia 1990, dẫn một số buổi chương trình SV95, chương trình trò chơi vận động trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và các hoạt động lớn của Ngành TDTT.
Ông là một trong những người đã có một cống hiến mang ý nghĩa đối với Ngành: Đó là trong giai đoạn 1990-1991, Ngành TDTT thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch, ông cùng các cộng sự đã tìm hiểu, sưu tầm các dữ kiện lịch sử của Đất nước và của Ngành để tham mưu cho Cục TDTT, trình lên Bộ trưởng Bộ VH- TT-DL và cuối cùng, trình lên Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định lấy ngày 27/3 làm ngày Thể thao Việt Nam.
Ông khi lao động là "cháy" hết mình không chú ý đến sức khỏe và điều kiện làm việc cộng với thể chất không được tốt nên thường xuyên đau yếu từ những năm 90. Cá tính ông khá gai góc và thường không chịu nhịn, quá thẳng thắn nên thành quả không được như khả năng của ông. Những người cùng thời công nhận là ông là một người tích cực, nhiệt tâm, hết mình với công việc mặc dù không phải ai cũng "ưa" cá tính của ông.
Ông đã sống một cuộc đời chân thật như bản tính vốn có của con người ông là con người có khả năng nhưng không được may mắn trong công việc, không được cuộc đời tạo cơ hội do thời cuộc, hoàn cảnh lúc đó.
Ông hãy thanh thản yên nghỉ vì những tâm nguyện và những điều ông chưa thực hiện được sẽ tiếp tục được các con cháu thực hiện.
Ông ra đi, đã để lại niềm thương tiếc vô hạn. Trong ký ức của mỗi chúng ta luôn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp, những ấn tượng sâu sắc về một nhà thể thao, một cán bộ truyền thông của ngành TDTT xuất sắc, hoạt động năng nổ, thông minh...