Ngày 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023, nhằm tổng kết công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Cơ quan của Quốc hội tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: "Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, "sức mạnh mềm" của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước".
Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại của đất nước.
Bên cạnh đó thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương; nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đã nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại trên cơ sở thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ để tham cho chắc, cho sắc.
"Tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch; chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Theo báo cáo, năm 2022, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nước ta đã chủ trì một loạt các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.
Các hoạt động được tổ chức góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, đối với việc gìn giữ, vun đắp và không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.