Tua Hai - trận đánh “dằn mặt” đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam
PV
01/03/2023 09:30 GMT+7
Trận đánh đầu tiên khẳng định sức mạnh của bộ đội chủ lực quân giải phóng miền Nam với chỉ bốn đại đội quân giải phóng, đã đánh tan tác 1 trung đoàn bộ binh địch chỉ trong thời gian ngắn.
Căn cứ Tua Hai, căn cứ của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21, quân đội Sài Gòn đóng tại Trảng Sụp, nay thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Căn cứ có cấu trúc hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 600m, cổng chính ở phía tây giáp quốc lộ 22, phía bắc và đông nam là rừng.
Lực lượng địch trong căn cứ gần 1.700 tên, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh. Phía bắc có hai tiểu đoàn 1, 2 và đại đội pháo; ở phía nam là Tiểu đoàn 3 và các đơn vị hậu cần. Công sự vật cản chưa được xây dựng, xung quanh chỉ đắp tường đất cao 1m, có 9 vọng gác, 2 tháp canh bố trí dọc các bức tường cùng 4 ụ chiến đấu ở 4 góc.
Phía trong căn cứ quân sự được chia thành 5 khu vực, ở giữa là sở chỉ huy và nhà cố vấn Mỹ, xung quanh là khu nhà nghỉ sĩ quan, doanh trại các tiểu đoàn, khu hậu cần, kho vũ khí, nhà xe, trong đó hầu hết doanh trại đều là nhà xây, mái lợp ngói.
Để bảo đảm an toàn, địch tổ chức 1 đại đội thám báo làm nhiệm vụ tuần tra, phục kích ở bên ngoài căn cứ và 1 đại đội thám báo mật sống lẫn trong dân để dò la tin tức. Tại căn cứ còn có trung tâm đào tạo biệt kích, huấn luyện lính mới và kho chứa vũ khí lớn để trang bị cho các đơn vị mới thành lập của địch.
Cuối năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường đàn áp, khủng bố nhằm dập tắt phong trào cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954. Trước tình hình đó, quân dân miền Đông quyết định tập trung lực lượng tiến hành một trận đánh lớn, nhằm gây tác động mạnh trên chiến trường toàn miền.
Lực lượng tham gia trận đánh gồm 3 đại đội (59, 60, 70), Đại đội đặc công 80 và 1 trung đội thuộc lực lượng Bình Xuyên, 1 trung đội địa phương tỉnh Tây Ninh; tổng số gồm 300 quân, chưa kể 300 dân công phục vụ chiến đấu; vũ khí trang bị có 1 đại liên, 4 trung liên, hơn 100 súng trường, tiểu liên và 70 trái nổ, thủ pháo.
Chỉ huy trận đánh do Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng và Mai Chí Thọ làm Chính trị viên. Sau khi nghiên cứu căn cứ địch, cách đánh được xác định là sử dụng lực lượng đặc công bí mật tiềm nhập, dùng trái nổ diệt sở chỉ huy; đồng thời các đơn vị bộ binh trên nhiều hướng đồng loạt xung phong đánh chiếm các vị trí và doanh trại của địch, thu vũ khí.
Hướng tập kích chủ yếu: hướng bắc; hướng thứ yếu hướng nam. Tổ chức lực lượng gồm bộ phận tập kích hướng chủ yếu; bộ phận tập kích hướng thứ yếu; bộ phận ngăn chặn địch chi viện.
Thời gian nổ súng dự kiến lúc 23 giờ 30 phút ngày 25/1/1960 (tức đêm 27 rạng ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý). Nhưng phải lui lại 1 giờ, do trước đó phần lớn quân địch vừa dự liên hoan từ sân vận động Tây Ninh về căn cứ, đồng thời một bộ phận khác trong căn cứ được lệnh tập hợp tham gia càn quét ở Khe Đôn.
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26/1, toàn lực lượng nhận lệnh nổ súng. Trên hướng chủ yếu, lực lượng đặc công sử dụng bộc phá đánh vào sở chỉ huy và dãy nhà ở sĩ quan, đồng thời các mũi bộ binh nhất loạt xung phong đánh chiếm các vị trí địch ở phía bắc căn cứ, gồm doanh trại các tiểu đoàn 1, 2, trận địa pháo và 3 kho súng.
Trên hướng thứ yếu, các tổ đặc công và bộ binh phối hợp đánh chiếm doanh trại Tiểu đoàn 3, khu hậu cần và đại đội nhà xe ở phía nam căn cứ. Bị đánh bất ngờ, ngay từ đầu Sở chỉ huy Trung đoàn 32 bị tiêu diệt đã khiến cho đại bộ phận quân địch tê liệt, hoảng loạn rút chạy hoặc đầu hàng.
Tuy nhiên, do Đại đội 70 xung phong chậm, để cho một bộ phận quân địch chạy thoát ra ụ chiến đấu bờ thành phía đông bắc, dùng súng đại liên bắn trả quyết liệt, gây cho ta một số thương vong.
Trước tình hình đó, Chính trị viên Đại đội 59 Nguyễn Trọng Tâm, lập tức lệnh cho bộ đội lấy súng đại liên trong kho vừa chiếm được, kịp thời bắn chế áp, tạo điều kiện cho toàn đơn vị tiếp tục tiêu diệt địch làm chủ căn cứ, bảo vệ dân công vào thu vũ khí, chiến lợi phẩm.
Kết quả, ta tiêu diệt 76 tên, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân, thu gần 1.500 súng các loại cùng. Sau đó lực lượng ta tổ chức thành ba xe tải chở vũ khí, nhưng trên đường vận chuyển phải bỏ lại để tránh bị địch truy kích.
Chiến thắng Tua Hai đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời mang ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh một phía do Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành ở miền Nam. Nguồn ảnh: TL.