Ngày 28/2, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2022 khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát, đơn vị áp dụng hàng loạt chương trình kích cầu giúp doanh thu đạt 30.888 tỷ đồng, tăng 216 tỷ so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử đóng góp cho Saigon Co.op hơn 1.200 tỷ đồng. Sau dịch Covid-19, Saigon tăng cường giới thiệu, quảng bá cho kênh thương mại điện tử, khuyến khích khách hàng mua sắm online với nhiều ưu đãi. Nhờ vậy, doanh số bán hàng trực tuyến đạt tỷ trọng 4,4%, cao hơn kế hoạch đề ra là 3,5%.
Saigon Co.op đang sở hữu một loạt mô hình kinh doanh trong ngành bán lẻ, từ đại siêu thị đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa tổng hợp như Co.opXtra, Co.opmart, Co.op Food, Cheers…
Năm 2022, hệ thống có thêm 34 điểm bán mới thuộc Co.op Food và Cheers. Đặc biệt, trong năm qua doanh nghiệp đã xuất khẩu nông sản, thủy hải sản của Việt Nam với tổng giá trị đạt gần 70 tỷ đồng.
Lãnh đạo Saigon Co.op dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn như áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá tăng cao; chi phí đầu vào tăng tạo sức ép lớn lên hoạt động sản xuất…
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.
Trước bối cảnh có nhiều khó khăn, đại gia bán lẻ này sẽ tập trung nguồn lực để củng cố các hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo.
Theo ông Đức, Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh số 2023 tăng trưởng 4% so với năm 2022.
Doanh nghiệp sẽ cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá - chiến lược giá, số hoá trong hoạt động quản lý; đa dạng hoá thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logistics trong tương lai.