Cách các cầu thủ U20 Việt Nam chiến thắng U20 Australia khá giống với cách những người đàn anh của họ ở U23 Việt Nam làm ở Thường Châu. Kiểm soát bóng ít hơn đối phương, nhưng lại có chiến thắng. Một điều đáng mừng là nhìn các cầu thủ U20 Việt Nam thi đấu, chúng ta cảm nhận được sự tự tin, chững chạc của lứa cầu thủ này.
Về diễn biến trận đấu, có thể có những ý kiến lối đá của các cầu thủ Việt Nam là tiêu cực, là quá thực dụng. Nhưng trên thế giới chỉ có vài đội bóng là có thể thi đấu hiệu quả chỉ với một lối đá tấn công áp đặt trước mọi đối thủ. Số còn lại đều phải lựa vào sức mạnh của từng đối thủ để đưa ra đấu pháp thi đấu, đội U20 Việt Nam cũng vậy. Trước các đối thủ yếu hơn, một đội bóng sẽ triển khai lối đá áp đặt. Khi gặp đối thủ mạnh hơn, họ phải đá theo lối phòng ngự phản công. Sự khác biệt của 2 lối đá này bản chất chỉ là với lối đá tấn công áp đặt, các cầu thủ của đội bóng phải thực hiện rất nhiều các đường chuyền trước khi dẫn đến pha sút bóng cầu môn. Còn phòng ngự phản công thì ngược lại, họ dùng rất ít các đường chuyền, có khi chỉ sau 2 hoặc 3 đường chuyền là đã tới nhịp dứt điểm cầu môn rồi.
Và bàn thắng đầu hiệp 1 của U20 Việt Nam trong trận này là như vậy. 4 đường chuyền kể từ lúc cướp được bóng, bóng đến chân Nguyễn Quốc Việt số 14, sau 2 nhịp đi bóng, anh đã ở tư thế thuận lợi và tung ra một cú sút quyết đoán vào góc gần của cầu môn đối phương, ghi bàn thắng quyết định của trận đấu. Trong cả trận, các cầu thủ tấn công U20 Việt Nam đã vài lần thực hiện được các pha phối hợp nhanh như vậy và đã tạo ra được nhưng tình huống nguy hiểm cho khung thành U20 Australia. Tuy kiểm soát bóng ít hơn nhưng số pha dứt điểm, số tình huống nguy hiểm của U20 Việt Nam nhiều hơn hẳn các cầu thủ U20 Australia. Điều đó nói lên tính hợp lý của chiến thuật mà đội U20 Việt Nam áp dụng trong trận này.
Nhưng ngay cả tình huống ghi bàn được coi là rất đẹp này cũng có thể gây ra những tranh luận. Thực tế, thời điểm Quốc Việt tung chân sút bóng, ở phía bên phải của anh có một đồng đội đang ở tư thế còn thuận lợi hơn, xác suất thành bàn sẽ cao hơn nếu anh không sút bóng mà chuyền cho đồng đội. Nhưng bóng đá là vậy, các cầu thủ trẻ phải làm quen và chấp nhận thực tế, rằng nếu trong tình huống như vậy mà anh quyết định dứt điểm thay vì đưa ra đường chuyền cho đồng đội, nếu anh ghi bàn, tình huống đó được gọi là quyết đoán, dũng cảm. Còn nếu pha dứt điểm không thành công, người ta sẽ gọi đó là một pha chơi bóng cá nhân, thiếu tính đồng đội. Thật may mắn cho chúng ta, pha dứt điểm đó đã thành bàn thắng.
Đóng góp vào chiến thắng này là các cầu thủ phòng ngự của U20 Việt Nam, những người tạo nên khả năng chịu đòn của đội bóng. Nổi bật ở hàng phòng ngự là cầu thủ Lê Nguyên Hoàng, anh thi đấu rất tỉnh táo, chọn vị trí tốt, vài lần cản phá được nhưng đường tấn công rất nguy hiểm có thể dẫn đến bàn thắng của các cầu thủ Australia.
Có một điểm yếu mà U20 Việt Nam đã bộc lộ rất rõ trong trận này, đó là khả năng phòng ngự chống bóng bổng. Không chỉ thua kém đối phương về chiều cao, các cầu thủ phòng ngự của U20 Việt Nam còn tỏ ra không chặt chẽ trong việc phối hợp phòng ngự, bọc lót, theo bám đối phương. Họ đã vài lần để cho tiền đạo đối phương thoải mái đánh đầu trong tư thế không bị truy cản về khung thành của đội nhà. Trong cả trận, những tình huống nguy hiểm nhất trước khung thành thủ môn Cao Văn Bình chính là những pha bóng bổng. Có lẽ đấy là điểm yếu rõ nhất của đội khi so sánh với lứa đàn anh ở U23 năm xưa, với hàng hậu vệ có chiều cao trên 1m8 và phối hợp phòng ngự chống bóng bổng rất tốt.
Rất có thể với những trận tiếp theo, các đối thủ như U20 Qatar, U20 Iran sẽ tìm cách khai thác điểm yếu này của đội, và chắc chắn HLV Hoàng Ánh Tuấn cùng các cầu thủ U20 Việt Nam sẽ phải có giải pháp để hạn chế điểm yếu này nếu muốn đi sâu hơn vào giải.