Dân Việt

Con gái giành học bổng toàn phần vào ĐH Harvard, mẹ "nhà người ta" tiết lộ bí quyết

Tào Nga 02/03/2023 08:33 GMT+7
Có một điều chị Điệp khiến nhiều bậc cha mẹ khác phải ngưỡng mộ đó là luôn đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh.

Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, hiện là quản lý cấp trung tại Đại học Auckland, New Zealand. Mới đây, chị Điệp vô cùng tự hào khi con gái Trần Ngọc Hân, cựu học sinh Trường Trung học Epsom Girls Grammar School tại New Zealand vừa được cấp học bổng toàn phần trị giá hơn 7 tỷ đồng để theo học ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard danh tiếng.

Ngọc Hân còn được nhận làm thêm tại trường, mức lương 3.500 USD/năm học. Vì thế, gia đình chị Điệp không phải đóng thêm một đồng nào cho hành trình học tập của con tại Mỹ.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Điệp cho biết, đầu năm 2016 chị sang New Zealand làm nghiên cứu sinh nên quyết định cho các con đi cùng bố mẹ. Đây cũng chính là bước đệm quan trọng giúp Ngọc Hân giành suất học bổng từ trường top đầu thế giới. 

Con gái giành học bổng toàn phần vào ĐH Harvard, mẹ "nhà người ta" tiết lộ bí quyết - Ảnh 1.

Trần Ngọc Hân giành học bổng toàn phần trị giá hơn 7 tỷ đồng để theo học ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard danh tiếng. Ảnh: NVCC

"Ngọc Hân từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu các môn xã hội, nghệ thuật, vẽ tranh và luôn là học sinh chăm chỉ, có trách nhiệm. Đặc biệt, Hân rất thích đọc sách, nhất là những cuốn sách dành cho trẻ em về tâm lý", chị Điệp tiết lộ. Thấy con thể hiện rõ tính cách và sở thích của mình, chị Điệp đã ủng hộ con gái theo học chuyên ngành Tâm lý học tại đại học danh tiếng Harvard.

Chị Điệp cho hay, quan điểm dạy con của chị không phải là gò ép con theo quyết định của bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ luôn ở bên hỗ trợ định hướng và tư vấn khi con cần giúp đỡ. Khi con không hiểu, vợ chồng chị luôn sẵn sàng lắng nghe để giải thích cho con. 

Trong thực tế, có một điều chị Điệp khiến nhiều bậc cha mẹ khác phải ngưỡng mộ đó là luôn đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh. Dù bố mẹ, con cái bận rộn tới đâu vẫn thiết lập thói quen cứ đến bữa ăn là ăn cùng nhau. Không những thế, mỗi lần con học, con chơi đều có bóng dáng của mẹ ở bên. 

Có thể cho con đi du học từ lớp 10 đẹp nhất

Được biết, chị Điệp từng trúng tuyển học bổng từ các nước khác như Mỹ, Úc nhưng sau đó lại quyết định học tại New Zealand và cho con theo du học. Chị chia sẻ, ở đây hỗ trợ tốt cho các nghiên cứu sinh có gia đình. Ngoài ra chị ấn tượng về phương pháp giáo dục thiên hướng khai phóng và tôn trọng sở thích của trẻ. Học sinh được tự do lựa chọn những đề tài mình mong muốn để học tập và nghiên cứu. 

Con gái giành học bổng toàn phần vào ĐH Harvard, mẹ "nhà người ta" tiết lộ bí quyết - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, hiện là quản lý cấp trung tại Đại học Auckland, New Zealand. Ảnh: NVCC

Các em cũng không bị giao cho quá nhiều bài tập, bởi các em cũng đã có sự tìm hiểu nghiên cứu kỹ về đề tài trước đó. Ví dụ, con chị khi được học về bảng cửu chương sẽ được dạy những nguyên tắc để suy luận, chứ không phải là học thuộc lòng một cách máy móc.

Ở xứ sở Kiwi rất trân trọng các giá trị về gia đình và dành rất nhiều thời gian cho con cái, đặc biệt là thông qua các hoạt động thể thao. Họ luôn đề cao việc cân bằng giữa công việc và học tập, không khuyến khích chuyện làm việc quá sức mà bỏ bê sức khỏe hay gia đình.

Từ câu chuyện trải nghiệm của bản thân, chị Điệp rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm học tập, xin học bổng cho học sinh, sinh viên. Những bài viết của chị rất hữu ích, thiết thực và nhận được nhiều yêu thích. Mới đây, chị là khách mời tư vấn trong buổi hội thảo chia sẻ về Học bổng Chính phủ New Zealand bậc Trung học, chị tư vấn: "Nếu muốn cho con đi du học sớm, các phụ huynh có thể cho con đi từ khoảng lớp 10 là đẹp nhất. Tuy nhiên, có 3 điều kiện cần cho cả các con và bố mẹ khi quyết định/định hướng đi du học là: Các con được chuẩn bị sẵn nền tảng vững chắc về tiếng để giao tiếp và học tập, kỹ năng sống độc lập. Các con thực sự muốn đi để học hỏi, chứ không phải vì bố mẹ bắt ép đi. Cả bố mẹ và con đều không bị áp lực về tài chính trong thời gian học và sống ở nước ngoài".

So sánh giữa học sinh Việt Nam và New Zealand, chị Điệp nhận xét: "Thật ra, học sinh và sinh viên Việt Nam sang đây học nổi trội về các môn khoa học Toán-Lý-Hóa, vì có một số kiến thức đã được học trước ở Việt Nam. Song, các bạn lại yếu thế hơn về các kỹ năng mềm, khả năng làm dự án, kỹ năng về tranh luận, thuyết trình. Chính vì thế, có thể nói, mặc dù các bạn Việt Nam rất chăm và chú trọng việc học, nhưng các bạn nên tận hưởng cuộc sống và tập trải nghiệm nhiều hơn, tức là nên học nhiều các kỹ năng mềm và kỹ năng sống".