Hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây, những thương hiệu đã từng ra sức chiến đấu với các nhà sản xuất ô tô trong nước để giành thị phần, kể từ khi họ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Nga vào đầu những năm 2000, đã ngừng hoạt động sau khi Nga gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2/2022.
Có lẽ không có ngành công nghiệp nào ở Nga bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng 2/2022, với sản lượng xe hạng nhẹ giảm gần 97% ba tháng sau đó và doanh số bán ô tô giảm hơn 80% khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào tháng 5 và tháng 6/2022.
Nhưng câu chuyện không kết thúc với sự tháo chạy của hàng trăm công ty nước ngoài và sự sụt giảm nhu cầu sau nhiều đợt trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.
Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine đã tạo cơ hội cho ô tô và thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất mở rộng thị phần tại quốc gia này.
Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu báo cáo rằng, các tập đoàn ô tô Chery, Great Wall Motor và Geely ô tô của Trung Quốc đã chiếm tổng cộng 16,5% doanh số bán xe du lịch mới và xe thương mại cỡ nhỏ ở Nga vào năm 2022, tăng từ mức 6,3% của năm trước đó.
Chery tăng doanh số bán hàng tại Nga thêm 31% lên 53.000 xe, trong khi số lượng của Geely giảm 0,7% xuống còn chỉ 24.000 xe.
Truyền thông Nga đưa tin, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc đang trên đà vượt qua 1/4 trong năm nay, khi các nhà sản xuất ô tô được hưởng lợi từ việc dễ dàng duy trì nguồn cung cấp phụ tùng từ Trung Quốc.
Giống như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không tham gia các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga. Trong cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc ở Moscow tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quan hệ Nga-Trung "đang tiến triển và tăng trưởng đều đặn, và chúng ta đang đạt được những cột mốc mới".
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa hai nước đã tăng 30% trong năm ngoái, đạt mức kỷ lục hàng năm thứ hai liên tiếp.
Kể từ khi Moscow tấn công Ukraine một năm trước, hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã ngừng sản xuất tại Nga. Tập đoàn Mercedes-Benz và Toyota Motor nằm trong số các công ty cho biết họ sẽ rời khỏi thị trường Nga.
Nhìn chung, doanh số bán ô tô mới ở Nga đã giảm 59% vào năm ngoái xuống còn khoảng 690.000 ô tô. Doanh số bán hàng của nước ngoài giảm khoảng 80%, mang lại lợi ích cho các thương hiệu Trung Quốc và Nga.
Thị phần của nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga AvtoVAZ tăng 6% đạt 27,4%, nhưng doanh số bán hàng của nhà sản xuất Lada giảm 46% do thiếu phụ tùng và nhà máy ngừng hoạt động.
Nhà phân tích ô tô Nga Vladimir Bespalov nói với Reuters: "Có rất ít sản phẩm của các thương hiệu xe hơi phương Tây và ít hàng nhập khẩu, vì vậy thị trường được phân chia giữa ngành công nghiệp xe hơi của Nga và Trung Quốc".
Còn Olga Belenkaya, chuyên gia kinh tế tại Finam cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô dường như đã trở thành một chỉ số hàng đầu cho nền kinh tế Nga, vì nó phản ứng nhanh nhất với các điều kiện kinh tế thay đổi. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng nền kinh tế đã chạm đáy – có lẽ điều đó sẽ xảy ra vào năm tới".
Thị trường ô tô ở Nga, nơi từng cạnh tranh với các nền kinh tế lớn nhất châu Âu về doanh số bán hàng, đã tồn tại nhưng đang bị thu hẹp và biến đổi.
Sự chuyển hướng sang Trung Quốc của thị trường ô tô Nga đi sâu hơn doanh số bán hàng
Khi Renault của Pháp rời khỏi nhà máy ở Moscow vào năm ngoái, thương hiệu Moskvich thời Liên Xô bất ngờ hồi sinh đã tiếp quản nhà máy và bắt đầu sản xuất vào tháng 11/2022. Thiết kế của chiếc xe dựa trên những chiếc xe do Tập đoàn ô tô Anhui Jianghuai của Trung Quốc, một công ty nhà nước hạng trung có tên là JAC sản xuất, và nhiều bộ phận được cho là sản xuất tại Trung Quốc.
Còn AvtoVAZ được cho là đang cân nhắc hợp tác với một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại nhà máy lắp ráp ở St. Petersburg do Nissan Motor bỏ hoang. Một liên doanh như vậy sẽ sản xuất tới 10.000 xe hạng sang mỗi năm.
Mô hình thay thế thị phần này cũng đã được nhìn thấy trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng
Dẫn đầu là Xiaomi, điện thoại thông minh do Trung Quốc sản xuất đã chiếm 80% thị trường Nga vào năm ngoái, tăng từ 45% vào năm 2021, theo ước tính của một công ty tư nhân Nga.
Trước cuộc chiến chống Ukraine, iPhone là điện thoại được những người Nga có khả năng chi trả lựa chọn phổ biến. Mặc dù Apple đã chính thức rời khỏi Nga để đối phó với cuộc xâm lược, người Nga vẫn có thể chạm tay vào iPhone thông qua nhập khẩu cửa sau. Nhưng giá cao hơn của chúng dường như đã làm xói mòn thị phần của thương hiệu này.
Huawei Technologies của Trung Quốc đã trở thành nhà bán máy tính xách tay lớn thứ hai của Nga vào năm ngoái tính theo thị phần, tăng từ vị trí thứ tám vào năm 2021. HP đã tụt từ vị trí bán chạy số 1 xuống vị trí thứ tư vào năm 2022 ở Nga.
Thời điểm khó khăn cho người tiêu dùng
Mặc dù các thương hiệu Trung Quốc đang gặt hái thành quả từ lệnh cấm vận của phương Tây, nhưng thị trường Nga đang bị thu hẹp do nền kinh tế nước này suy thoái.
Năm ngoái, doanh số bán điện thoại thông minh của Nga đã giảm 33% xuống còn 21 triệu, theo Counterpoint Research. Để so sánh, thị trường điện thoại thông minh của châu Âu đã giảm 20%.
Theo Autostat, thị trường ô tô của Nga thậm chí còn tồi tệ hơn, giảm gần 60% vào năm 2022 so với năm trước đó.
Chuyên gia Hristova nói rằng đối với nhiều người tiêu dùng Nga, các quyết định về các mặt hàng có giá trị lớn "có thể đang bị trì hoãn ngay bây giờ", đặc biệt là khi họ chuẩn bị cho các làn sóng huy động quân sự tiềm tàng trong tương lai.
Theo các nhà phân tích, câu hỏi lớn hiện nay là liệu thị trường có thay đổi mãi mãi hay không. Hristova cho biết nếu chiến sự ở Ukraine kết thúc, Apple và Samsung có thể sẽ xây dựng lại các hoạt động tại quốc gia này — và nhanh chóng lấy lại doanh số bán điện thoại thông minh.