Dân Việt

Từ việc ngân hàng bán bảo hiểm "bia kèm lạc", người dân cần lưu ý điều gì?

Đình Việt 09/03/2023 08:00 GMT+7
Chuyên gia pháp lý đã đưa ra quan điểm sau các vụ ngân hàng bán bảo hiểm "bia kèm lạc".

Xung quanh việc ngân hàng bán bảo hiểm "bia kèm lạc"

Thời gian gần đây, có nhiều phản ánh của người dân liên quan việc khi tới gửi tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm tại ngân hàng thì được nhân viên tư vấn gói tiết kiệm lãi suất cao.

Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền lãi đúng cam kết, họ nhận thông báo phải nộp phí bảo hiểm. Kiểm tra lại, nhiều người mới nhận ra bản thân đã ký vào hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ.

Từ việc ngân hàng bán bảo hiểm "bia kèm lạc", người dân cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, có nhiều phản ánh của người dân liên quan việc khi tới gửi tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm tại ngân hàng thì được nhân viên tư vấn gói tiết kiệm lãi suất cao (Ảnh minh hoạ).

Mới đây nhất, theo phản ánh của khách hàng N.H.A (Hà Nội), giữa tháng 10/2021, chị được một nhân viên tại một phòng giao dịch của ngân hàng T gửi tin nhắn thông báo giới thiệu bên ngân hàng có chương trình "tiết kiệm lãi suất tốt" lên tới 8,7%/năm. Sau đó, chị tới gặp nhân viên của ngân hàng ký hợp đồng và chuyển 100 triệu đồng.

Đến giữa tháng 9/2022, sau khi cân nhắc các khoản tài chính và thấy không thể tiếp tục gửi số tiền 100 triệu đồng như năm trước, chị H.A. mở lại hợp đồng cũ tìm hiểu mới biết đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng có thêm quyền lợi gửi tiền đầu tư chứ không phải là sản phẩm tích lũy đầu tư lãi suất 8,7% như nhân viên đã tư vấn lúc đầu.

Chị H.A. gửi tố cáo tới Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Sau đó, đơn vị này gửi đơn của chị H.A. tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, đại diện ngân hàng T cho biết, sẽ cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan và đối tác để làm sáng tỏ vụ việc.

Thông tin thêm về việc này, đại diện ngân hàng T cho hay, ngân hàng đã cùng đối tác là một công ty bảo hiểm phối hợp rà soát lại toàn bộ và thực hiện phản hồi ý kiến của khách hàng H.A. theo đúng quy định về bán sản phẩm, quy định của pháp luật.

Ngân hàng T giải thích, trong buổi làm việc với công ty bảo hiểm, chị H.A. có xác nhận về các chữ ký trên Biên nhận bàn giao hợp đồng và thư xác nhận yêu cầu bảo hiểm qua ứng dụng điện tử là do khách hàng thực hiện.

Trong thời gian tham gia hợp đồng từ 2021 tới nay, khách hàng đã được công ty liên hệ xác nhận tham gia sản phẩm, và giải đáp thắc mắc (nếu có) trong thời gian cân nhắc.

"Ngân hàng và công ty đối tác đã thuyết phục khách hàng tiếp tục cung cấp thêm các dữ liệu để làm rõ, giải quyết tới cùng về quá trình ký kết hợp đồng. Chúng tôi luôn mong muốn được lắng nghe để giải đáp tối đa các thắc mắc cũng như hướng tới quyền lợi tối đa của khách hàng" - đại diện ngân hàng T khẳng định.

Người dân cần làm gì trước khi kí hợp đồng?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc của chị H.A. là khá hy hữu khi khách hàng cho rằng hợp đồng tiền gửi với lãi suất 8,7%/năm lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Để giải quyết sự việc khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính để làm rõ. Tuy nhiên, bước đầu phía ngân hàng và công ty bảo hiểm đã xuất trình được các nội dung trao đổi, các tài liệu văn bản mà khách hàng đã ký với phía công ty.

Vì thế, để làm rõ tính chính xác của giao dịch này phải cần có sự vào cuộc của pháp luật. Khi đó mới có thể kết luận ai đúng, ai sai.

Theo luật sư Đồng, việc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) gửi đơn của chị H.A. tới C03 là theo đúng quy trình của Luật Thanh tra, Luật Tố cáo và quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Vị luật sư phân tích, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành một số hoạt động để kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Sau quá trình xác mình, trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Nếu vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Lúc này, nếu các bên thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm vẫn có quyền đưa vụ án ra tòa để giải quyết theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự, tranh chấp hợp đồng theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Qua các sự việc trên, luật sư Đồng cho rằng, người dân khi tham gia bất cứ giao dịch nào cũng cần hết sức cẩn trọng, đọc kỹ các nội dung, điều khoản hợp đồng trước khi ký kết.

Ngoài ra nếu nghi ngờ về những nội dung trong hợp đồng, người dân có quyền yêu cầu bên giao kết hợp đồng giải thích rõ, yêu cầu được mang hợp đồng về nhà để tìm hiểu kỹ hoặc tìm người có chuyên môn, kinh nghiệm rà soát từng điều khoản của hợp đồng mà không vội vàng ký kết.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, người dân khi ký bất cứ hợp đồng cũng cần đọc kỹ nội dung thông tin.

"Việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Trường hợp còn tranh luận lỗi từ phía khách hàng hay giao dịch viên ngân hàng, hai bên cần có trao đổi cụ thể" – bà Thơ nêu quan điểm.