Thị trường xe cần những chính sách thúc đẩy kịp thời
Sau những bước tăng trưởng liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2022, từ cuối quý IV năm ngoái, doanh số bán ôtô tại Việt Nam đang từng bước lao dốc. Lượng tiêu thụ ôtô toàn thị trường do VAMA công bố mới nhất gần đây cũng chỉ đạt hơn 17.300 xe, tương đương mức khi thị trường ôtô chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào hồi tháng 9.2021.
Trong bối cảnh đó, nhiều hiệp hội và các địa phương có nhà máy sản xuất ôtô lớn đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho ngành ôtô, trên cơ sở tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm phí trước bạ và các chính sách trên cần sớm được ban hành và áp dụng từ đầu quý II.2023 để phát huy hết hiệu quả.
Nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Thực tế, trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, các hãng xe và đại lý cũng đã liên tục đưa ra những ưu đãi giảm giá, quà tặng hay thậm chí giảm 50-100% lệ phí trước bạ với số tiền tương ứng lên tới hơn 100 triệu đồng cho một số mẫu xe ở đa dạng các phân khúc để thúc đẩy doanh số. Tuy nhiên, tác động của các chương trình này đã chưa thực sự thúc đẩy được sức mua trên thị trường như kỳ vọng.
Tập đoàn Thành Công (TC Group) cho biết, thị trường ôtô năm 2023 bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm 2022, con số tương đương hơn 85.500 xe. Việc sụt giảm doanh số trong năm nay có thể sẽ kéo theo tốc độ “ôtô hoá” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Thị trường ôtô có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương xấp xỉ hơn 1,8 triệu xe.
Từ đó, sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong dài hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe ôtô và 10 tỉ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời.
Phương án giảm lệ phí trước bạ đã từng đạt hiệu quả cao
Trước đó trong năm 2021, dịch COVID-19 cũng đã đè gánh nặng kinh tế lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu bị thắt chặt. Điều đó đã khiến cho sản lượng tiêu thụ của thị trường ôtô ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định 103, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và làm tăng tổng thu ngân sách. Nghị định này đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1.12.2021.
Theo số liệu từ VAMA, tháng 12.2021, khi chính sách có hiệu lực, doanh số bán ôtô tại thị trường Việt Nam đạt 46.759 xe, ngay lập tức bật tăng 21% so với tháng 11.2021. Trong đó, doanh số xe lắp ráp tăng lên 23%.
Sang năm 2022, sau 5 tháng đầu năm lượng xe toàn thị trường tiêu thụ tổng cộng 176.681 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp chiếm 105.022 chiếc, tăng tới 47%; xe nhập khẩu chiếm 71.659 chiếc, tăng 29%.
Cộng dồn 6 tháng áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, các đơn vị thành viên VAMA đã tiêu thụ 223.440 chiếc. Tính cả số lượng xe của VinFast và TC Motor thì tổng cộng tiêu thụ 280.618 xe. Như vậy trung bình mỗi phút thị trường tiêu thụ 1,1 chiếc. Thực chất, việc giảm 50% lệ phí trước bạ để hỗ trợ ngành ôtô cũng đã được áp dụng hiệu quả trong năm 2020.