Văn Miếu Mao Điền thờ Khổng Tử-người được cho là ông tổ của Nho học.
Trong diễn văn khai hội, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đã nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục của Di tích Văn Miếu Mao Điền.
Theo đó, Văn Miếu Mao Điền tọa lạc tại thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là di tích lớn đứng thứ 2 trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, nơi kế thừa và tiếp nối của Văn Miếu trấn Hải Dương xưa.
Di tích được khởi dựng từ thế kỉ XV tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An. Đến thời Quang Trung cuối thế kỷ 18 Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại huyện Đường An về xã Mao Điền sát nhập cùng với trường học, trường thi trở thành nơi đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ nho học hàng đầu cả nước.
Hiện nay, Văn miếu thờ Đức thánh Khổng Tử - ông tổ của đạo Nho và phối thờ 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực là người con quê hương Hải Dương hoặc các danh nhân có liên quan sâu sắc với lịch sử, văn hóa Hải Dương.
Đó là thầy giáo Chu Văn An, người đại diện cho giáo dục; Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi người đại diện cho lĩnh vực ngoại giao; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh đại diện cho văn thơ; Đại danh Y thiền sư Tuệ Tĩnh người đặt nền móng cho nền Y dược Việt Nam (danh nhân thời Trần); Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi người đại diện cho quân sự, chính trị; Thần toán Việt Nam - Tiến sĩ Vũ Hữu đại diện cho lĩnh vực Toán học Việt Nam (thời Lê sơ); Trình quốc công - Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm người tiêu biểu trong các vị trạng nguyên, nhà tiên tri nổi tiếng với sấm Trạng Trình; Nguyễn Thị Duệ là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam (thời Mạc).
"Tài đức của các danh nhân mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài" – ông Công nhấn mạnh.
Ngày nay, Văn miếu Mao Điền là một thắng cảnh đẹp, một điểm đến trong du lịch văn hóa tâm linh, niềm tự hào Văn hiến tỉnh Đông, nơi khuyến học, khuyến tài của xứ Đông xưa và Hải Dương nay.
Ngoài việc tổ chức lễ hội và các sinh hoạt tâm linh khác cũng như tiếp đón khách tham quan, chiêm bái, Văn Miếu Mao Điền còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động mang tính giáo dục như tổ chức hội thảo khoa học giáo dục; gặp mặt, vinh danh các tiến sĩ xứ Đông thời kỳ mới; tổ chức các chương trình khuyến học, biểu dương học sinh giỏi và đạt thành tích cao trong các kỳ thi đại học…
Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi được thờ trong Văn Miếu Mao Điền. Ảnh: Nguyễn Việt.
Với những giá trị lịch sử của di tích và các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, năm 2017, Văn Miếu Mao Điền đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, xứng tầm là biểu tượng Văn hiến xứ Đông.
Danh nhân, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiểm được thờ trong Văn Miếu Mao Điền. Ảnh: Nguyễn Việt.
Hằng năm, việc tổ chức lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Di tích, đồng thời tri ân với các bậc Đại khoa và tô thêm truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của lớp lớp các thế hệ người Hải Dương.
Linh vị Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được thờ trong Văn Miếu Mao Điền. Ảnh: Nguyễn Việt.
Ngay sau buổi lễ, nhiều hoạt động văn hóa độc đáo khác đã diễn ra như Lễ chữ dâng thánh với 4 chữ "Tôn sư trọng đạo" do đội tế thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền thực hiện; giao lưu viết thư pháp được thực hiện bởi CLB Thư pháp tỉnh Hải Dương mời các nhà thư pháp từ Hà Nội, Thái Bình, các nhà thư pháp đến từ các địa phương trong tỉnh Hải Dương; hát dân ca quan họ, hát chèo, hát chầu văn.
Tiếp đến là các hoạt động của hội thi viết chữ đẹp do học sinh các trường tiểu học trên địa bàn huyện Cẩm Giàng thực hiện, hội thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu lịch sử di tích và danh nhân thờ tại Văn Miếu Mao Điền do học sinh trường THCS Cẩm Điền, Lương Điền, Cẩm Phúc thực hiện.
Lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền xuân Quý Mão 2023 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7/3 đến 9/3 (tức từ ngày 16 đến ngày 18/2 âm lịch) với nhiều phần lễ linh thiêng hấp dẫn và độc đáo như: Lễ tế khai hội; lễ tiến chữ dâng thánh.
Clip Lễ hội Văn Miếu Mao Điền 2023. Văn Miếu Mao Điền đất Hải Dương thờ Khổng Tử và 8 vị đại khoa Nho học, trong đó có bà Nguyễn Thị Duệ, người được cho là nữ tiến sỹ Nho học đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến...Thực hiện: Nguyễn Việt.
Phần hội được ban tổ chức tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ hấp dẫn như: Giải cờ tướng tỉnh Hải Dương; trưng bày, bán các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Cẩm Giàng.