Ngày 10/3, tại TP.Hạ Long, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội khóa VIII.
Hội nghị nhằm khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023; nắm bắt những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện; dự kiến những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Theo ông Đỗ Ngọc Nam – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, từ đầu nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời theo Điều lệ Hội khóa VII và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.
Đa số cán bộ, hội viên nông dân nắm được nội dung cơ bản của Điều lệ Hội, tự giác chấp hành và thực hiện tốt các quy định của Điều lệ Hội. Qua đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua có sức lan, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đóng góp đều thống nhất về quan điểm và nguyên tắc bổ sung, sửa đổi Điều lệ; sắp xếp bố cục chương, điều trong Điều lệ. Điều lệ gồm 8 chương, 26 điều, thứ tự các chương, điều và phần những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam là logic, chặt chẽ và đầy đủ.
Về nội dung điều lệ, phần lớn các ý kiến đóng góp đều đồng ý nhất trí cao về nội dung của Điều lệ. Tuy nhiên, để các nội dung nêu trong Điều lệ thể hiện tính phổ biến, khái quát, đảm bảo thực hiện thống nhất, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị quan tâm sửa đổi và đề xuất một số nội dung.
Cụ thể, theo ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hà, việc mở rộng đối tượng kết nạp hội viên Hội Nông dân Việt Nam là phù hợp. Tuy nhiên, ông đề nghị không phát triển hội viên là học sinh vì đây là những đối tượng dưới 18 tuổi.
Về điều 2, chương I, mục 5, ông Hùng nhất trí như dự thảo: "Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân, tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội". Như vậy thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhất là trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cục, kiểm soát quyền lực, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm... mà Đảng ta quyết liệt ngăn chặn.
Tại chương IV, về tổ chức cơ sở hội, ông nhất trí về tổ chức Đại hội Chi hội 5 năm/lần, nhất trí về nhiệm vụ của Ban chấp hành cơ sở Hội, chi hội, tổ hội. Tuy nhiên, đề nghị sửa đổi sinh hoạt định kỳ của chi hội thành ít nhất 6 tháng/lần.
Tại chương V, về công tác kiểm tra, ông Hùng đề nghị không thành lập UBKT Hội cấp cơ sở và cấp huyện, hoặc phân công 1 cán bộ phụ trách ở cấp huyện.
Cùng ý kiến về công tác kiểm tra tại chương V, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà La Trường Thọ cho biết, trên thực tế, tuy Hội Nông dân các xã, thị trấn đều có UBKT cấp cơ sở, nhưng hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát còn yếu. Do vậy, ông Thọ đề xuất UBKT Hội chỉ thành lập 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cẩm Phả cũng đề nghị sửa đổi về đối tượng và điều kiện trở thành hội viên Hội Nông dân.
Theo bà Hà, hội viên Hội Nông dân Việt Nam nên là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội; có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc; nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; gắn bó mật thiết với giai cấp nông dân và vì nông dân".
Về hội viên danh dự, bà Hà đề nghị, đó là những công dân Việt Nam không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội; có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc; nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, bà Hà cho biết, theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương V đã nêu quan điểm: "… Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế…".
Vì vậy nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là thành tố quan trọng cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng, nhà nước, đồng thời ban hành các chính sách để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng mở rộng, vững mạnh, phát triển bền vững. Do đó, bà Hà đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu đề xuất với Đảng, Quốc hội xây dựng Luật Nông dân.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh trong việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII.
Ông Thắng nhấn mạnh, các ý kiến đề xuất sẽ được tập hợp gửi về Thường trực Trung ương Hội để xem xét nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII sao cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay.
Trước đó, ngày 9/3, Đoàn khảo sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Điều lệ Hội khóa VII, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII tại xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.