Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Đông Anh hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở đào tạo nghề với 17 nghề trình độ cao đẳng có quy mô đào tạo 1.400 học viên. 44 nghề trình độ trung cấp với quy mô đào tạo là 4.735 học viên; 33 nghề sơ cấp có quy mô đào tạo 4.705 học viên.
Số lao động mà các DN có nhu cầu tuyển dụng hàng năm khoảng 5.000 - 6.000 người. Công tác đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề hàng năm đều tăng.
"Công tác đào tạo nghề đã góp phần đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện. Người lao động từng bước nâng cao nhận thức về lợi ích của việc học nghề, mở rộng cơ hội có việc làm ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững" – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm cho lao động khu vực nông thôn đã được huyện Đông Anh đặc biệt quan tâm thực hiện. Huyện đang tích cực triển khai Đề án "Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025".
Chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện Đông Anh đã tổ chức thành công Sàn giao dịch việc làm huyện với sự tham gia của 50 đơn vị, DN, trường dạy nghề và gần 1.500 người lao động, học sinh, sinh viên.
Cũng trong năm này, huyện đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 9.180 người lao động; hỗ trợ cho 1.931 người vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100% như: Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ người có công với cách mạng cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề. Đồng thời tổ chức điều tra khảo sát, xác định các nghề đào tạo, thực hiện tư vấn học nghề; liên kết với các trường mở lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người học.
Cùng với đó, hệ thống trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Anh thường xuyên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
Huyện cũng xác định công tác đào tạo nghề cần gắn với nguyện vọng của người học, cũng như gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của DN, hướng đến giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.
Trên cơ sở đó, huyện Đông Anh đã giao các ngành chức năng tiếp tục thực hiện khảo sát, lựa chọn nghề phù hợp với lao động nông thôn để tổ chức đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
"Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác đào tạo, dạy nghề, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề.
Đồng thời phối hợp với những DN sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực; khuyến khích DN mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã thành phường, huyện thành quận" – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay.