Cho tôi hỏi cảnh sát giao thông đang đi trên đường bất ngờ ra hiệu lệnh yêu cầu lái xe máy (cũng đang lưu thông trên đường) dừng xe kiểm tra nồng độ cồn mà không lập chốt thì có đúng quy định?
Lê Quang Hùng (35 tuổi), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay:
Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 65/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có quy định rõ về các trường hợp cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, cảnh sát giao thông đang đi trên đường có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe lại để kiểm tra nồng độ cồn mà không lập chốt.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định rõ về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Theo luật sư Giang, khi có hành vi vi phạm thì phải được ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Mặt khác, việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không cần lập chốt thể hiện được tính cơ động, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để ngăn chặn và xử lý.
Vì vậy trong trường hợp Cảnh sát giao thông đang đi trên đường có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn ngay cả khi không lập chốt nếu chứng minh được người điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm.