Ngày 13.3, Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - đã cho biết về kế hoạch khoá các thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, các thuê bao di động có thông tin chưa trùng khớp sẽ được thông báo qua tin nhắn và có 15 ngày để cập nhật thông tin trước khi bị khoá một chiều.
Thông tin này đã khiến nhiều người quan tâm vì nó ảnh hưởng đến dịch vụ di động - một trong những dịch vụ quan trọng bậc nhất hiện nay.
Một lý do khác khiến cho thông tin này được quan tâm là trong quá khứ, đã có những lần các nhà mạng thực hiện “chiến dịch” cập nhật thông tin chính chủ cho các thuê bao di động, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, sim rác vẫn tràn lan khắp thị trường và tình trạng tin nhắn rác không hề giảm.
“Chiến dịch” loại trừ sim rác từ 10 năm trước
Còn nhớ, năm 2012, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2012.
Theo đó, khách hàng không được sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác.
Thông tư này cũng cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao chưa đăng ký thông tin theo quy định và mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin; cấm tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật và cấm mua bán, lưu thông, sử dụng sim đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần phải bẻ sim.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm Thông tư này được ban hành, các cửa hàng buôn bán sim rác vẫn tiếp tục hoạt động ở khắp nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Không khó để tìm thấy một cửa hàng bán sim thẻ ở thành phố Hà Nội, nếu không muốn nói là chúng ở khắp nơi.
Việc mua bán sim cũng không hề khó khăn khi hầu hết cửa hàng dạng này đều nhỏ và nằm ở những vị trí thuận tiện.
Những cửa hàng với biển hiệu “Sim số đẹp”, “Sim khuyến mãi” có hầu hết các loại sim của các nhà mạng ở Việt Nam, bao gồm cả sim nghe gọi thông thường cùng sim 3G, 4G.
Khi được hỏi về việc kích hoạt sim sau khi mua, một chủ cửa hàng ở đường Lê Duẩn cho biết, khách hàng chỉ việc mua sim và lắp vào máy sử dụng, không cần các bước kích hoạt và đăng ký thông tin.
Dễ thấy, sau 10 năm Thông tư số 04/2012 được ban hành, thị trường sim rác dường như vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này khiến cho một số người dân thắc mắc về cách các cơ quan có thẩm quyền và nhà cung cấp mạng xử lý vấn đề sim rác.
Chị Thu Hương (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã bày tỏ sự thắc mắc về yêu cầu chuẩn hoá thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới đây.
Theo chị, trước đây các nhà mạng cũng đã thông báo về việc này, yêu cầu người dùng cập nhật các loại thông tin như CMND, nhưng tình trạng sim rác vẫn không kết thúc.
“Tôi cũng từng nhận được tin nhắn yêu cầu cập nhật thông tin, nhưng dù không thực hiện yêu cầu đó, sim của tôi vẫn sử dụng bình thường” - chị Hương cho hay.
Việc đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân có ảnh hưởng tới khả năng chuẩn hoá thông tin?
Cùng với vấn đề sim rác, khả năng chuẩn hoá thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng liên quan tới khả năng đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu Căn cước công dân gắn chip.
Theo ghi nhận, nhiều người dùng điện thoại di động từ lâu đã đăng ký thuê bao với số Chứng minh nhân dân cũ, trước quyết định đổi sang sử dụng Căn cước công dân (CCCD).
Trong thông báo của Cục Viễn thông không nhắc tới trường hợp các thuê bao đã đăng ký chính chủ bằng CMND cũ, khiến người dân không khỏi thắc mắc.
Chị Phương Thảo (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã đăng ký thông tin thuê bao di động bằng số CMND từ nhiều năm trước đây. Hiện tại, chị khá lo lắng trước thông tin các số thuê bao có thông tin chưa chuẩn với Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ bị khoá từ ngày 31.3 tới vì chị đã đổi sang sử dụng CCCD có gắn chip và không còn giữ CMND cũ nữa.
“Tôi không biết liệu số điện thoại của tôi có bị tính là không có thông tin chuẩn không, và nếu có, tôi phải làm thế nào để chứng minh đây là số điện thoại chính chủ của mình khi không còn CMND” - chị Thảo cho biết.
Trường hợp của chị Thảo không hề hiếm gặp. Rất nhiều người sử dụng điện thoại di động đã cập nhật thông tin cá nhân cho các nhà mạng từ rất lâu, và đang lo lắng về tình trạng thuê bao di động của mình.