Khám phá ngôi đền cổ hơn 400 tuổi bên Hồ Tây, ngày đón cả trăm du khách ghé thăm
Được mệnh danh là "cái rốn tâm linh" của Thủ đô Hà Nội, Hồ Tây luôn là địa điểm thu hút du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc cùng sự linh thiêng của các công trình cổ kính. Một trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là Phủ Tây Hồ.
Clip phủ Tây Hồ, Hà Nội. Thực hiện: Phương Linh- Nguyễn Tùng.
Nằm trên một bán đảo lớn giữa Hồ Tây (nay thuộc số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, Hà Nội), Phủ Tây Hồ được ví như một viên ngọc quý nổi giữa lòng hồ với doi đất hình Kim Quy. Chiếc cổng tam quan 2 tầng bề thế được chạm trổ tinh xảo với các hình tượng tứ linh, tứ quý, đào thọ. Ngay chính giữa ghi biển "Tây Hồ hiển tích" và có một đại hồng chung được treo ở gác chuông phía trên. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Không có tài liệu ghi lại chính xác thời gian Phủ Tây Hồ được xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, Phủ được xây dựng từ khoảng thế kỉ 17 hoặc có thể muộn hơn. Bởi trong các sách nói về di tích của Thăng Long - Hà Nội cổ ra đời đầu thế kỷ 20 đều không ghi chép về di tích này. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Dù vào ngày thường, Phủ Tây Hồ cũng không hề thiếu hình ảnh của dòng người từ khắp nơi trên cả nước đến để cúng bái, tế lễ. Nơi đây là một địa điểm sinh hoạt tâm linh có giá trị đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực văn hoá - lịch sử đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Được xây dựng trên một gò đất với 3 mặt giáp Hồ Tây, Phủ Tây Hồ có tổng diện tích lên tới hơn 1000m2, là một trong những thánh địa Phật giáo linh thiêng bậc nhất tại Hà Nội. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa. Trong tín ngưỡng dân gian Mẫu, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử của Việt Nam, bà quản lý đất đai, khởi nguồn cho mọi sự sống của các sinh vật. Chính vì vậy, vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Bên trong khuôn viên là một khoảng không gian thoáng đãng, trong lành với màu xanh của những bóng cây cổ thụ và dòng nước Hồ Tây thơ mộng. Vẻ đẹp nơi cửa Phủ chắc chắn sẽ khiến nhiều du khách ngỡ ngàng khi lần đầu tới tham quan. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Lầu Cô, lầu Cậu được đặt song song với nhau hai bên trái phải. Trong tín ngưỡng tâm linh, đây là nơi thờ những người hầu cận của những vị quan trong phủ. Hai bên lầu được đắp nổi câu đối: "Hộ vệ hoàng cung dương hách trạc/ Tùy tòng Mẫu giá hiển uy linh". Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Phủ chính gồm 3 nếp tương ứng với 3 gian lễ. Qua phần hiên tam quan sẽ là tiền đường được xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, 8 mái. Nơi này thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Đặc biệt, hậu cung là nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu. Theo thứ tự từ trái sang phải là mẫu Thượng Ngàn, mẫu Liễu Hạnh và mẫu Thoải, ba vị thần tượng trưng cho sự sống và bình yên của muôn loài. Theo quy tắc tả dương hữu âm, tả chung hữu cổ, nơi đây cũng treo một quả chuông lớn bên trái và một chiếc trống lớn bên phải. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Năm 1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử - Văn hoá. Gốc si cổ thụ nằm trong khuôn viên Phủ cũng được công nhận là cây di sản vào năm 2012.
Phủ Tây Hồ mở cửa quanh năm, không thu vé và đón khách từ 5 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày. Bên trong Phủ còn có một khu chợ với các sinh vật phóng sinh và đa dạng món chay để Phật tử chọn lựa. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.