Tháng 5 tới, SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Campuchia. Bước ngoặt đáng kể nhất là Ban tổ chức nước chủ nhà đã quyết định bán bản quyền SEA Games, thay vì miễn phí như trước đây.
Cụ thể, trong 31 kỳ SEA Games đã qua, nước chủ nhà đều không bán bản quyền mà chỉ thu một khoản tượng trưng gọi là "phí truyền dẫn". Con số này ở SEA Games 31 tại Việt Nam là 10 nghìn USD, còn trước đó ở SEA Games 30 tại Philippines là 5 nghìn USD.
Chính vì vậy, con số 800 nghìn USD (tương đương khoảng 19 tỷ đồng, cao gấp 80 lần số tiền các nhà đài phải bỏ ra để có thể truyền tải bầu không khí SEA Games sôi động ở Việt Nam) để sở hữu bản quyền truyền hình SEA Games 32 mà Campuchia đưa ra đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực.
Ông Kongsak Yodmanee - Thống đốc Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) lên tiếng: "Mức giá này nằm ngoài tưởng tượng và chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ phải tham khảo các nước láng giềng nào đã mua bản quyền".
Thông tin mới nhất từ tờ Phnom Penh Post phát đi hôm nay có ý kiến của ông Vath Chamroeun - Tổng thư ký của cả hai Ủy ban quốc gia tổ chức SEA Games và Para Games (CAMSOC-CAMPGOC), cho biết, 4 đài truyền hình nước ngoài cũng như 1 đơn vị Campuchia đã mua bản quyền:
"Việt Nam, Singapore, Indonesia và Malaysia đã mua bản quyền phát sóng trực tiếp do Đài Truyền hình Thể thao Campuchia (CSTV) đóng vai trò sản xuất và phân phối.
Tại Campuchia, các sự kiện sẽ được chiếu trực tiếp miễn phí. Chỉ có các đài truyền hình nước ngoài mới phải trả tiền".
Về vấn đề bản quyền truyền hình SEA Games 32, bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng đã bày tỏ quan điểm cùng Dân Việt: "Trong quá khứ, việc tổ chức SEA Games, bên cạnh việc giúp các VĐV trong khu vực có điều kiện thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ trên đấu trường quốc tế; thì còn có ý nghĩa giúp các nước Đông Nam Á thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu, hợp tác với nhau.
Một số nước có điều kiện kinh tế tốt hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan.... đã nhiều lần tổ chức SEA Games và không bán bản quyền truyền hình. Tới SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai tháng 5 năm ngoái cũng vẫn đi theo thông lệ đó.
Nhưng trong sự phát triển của kinh tế xã hội, phát triển thể thao nói chung, các môn thi đấu ở SEA Games cũng rất hấp dẫn. Bên cạnh môn thể thao vua là bóng đá, nhiều môn, nội dung đã tiệm cận trình độ ASIAD, Olympic như điền kinh, bơi, cầu lông, taekwondo..., thu hút được đông đảo người xem.
Vậy nên, việc bán bản quyền truyền hình là tất yếu. Tiền bản quyền truyền hình sẽ giúp nước chủ nhà có thêm chi phí để đầu tư vào công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng, phát triển thể thao..."
Về con số 800 nghìn USD tiền bản quyền truyền hình mà phía Thái Lan công bố, BLV Quang Tùng từ chối bình luận vì anh không phải người trong cuộc:
"Các nhà đài đều là những chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, đàm phán mua bản quyền truyền hình nhiều giải đấu lớn trên thế giới như World Cup, EURO, Olympic, Ngoại hạng Anh...
Họ có thể định lượng được nhu cầu của thị trường và có thể bán được "món hàng" đó với giá nào. Chắc chắn, họ sẽ đưa ra được một con số phù hợp để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bản quyền truyền hình SEA Games 32", BLV Quang Tùng nói.
Về phía nước chủ nhà, ông Vath Chamreoun nhấn mạnh: "Campuchia đã làm việc với Ủy ban Olympic của mỗi quốc gia và được phép bán bản quyền phát sóng. Chúng tôi đã tính đến lợi ích chung của tất cả những người tham gia, bởi vì SEA Games thuộc về tất cả mọi người.
Như đã thảo luận với tất cả các thành viên ASEAN, Campuchia sẽ là một hình mẫu cho việc bán bản quyền phát sóng. Các cuộc đàm phán phải minh bạch, công bằng và bình đẳng. Ban tổ chức SEA Games 32 sẵn sàng gặp gỡ các đơn vị liên quan để tìm một giải pháp, hài lòng với các bên.
Chúng tôi tin tưởng ban tổ chức sẽ tiếp nhận thêm nhiều đơn đăng ký mua bản quyền truyền hình thời gian tới".