Hoàng đế Trung Quốc nào do kỹ nữ sinh ra và có số phận “chìm nổi”?
PV
21/03/2023 08:30 GMT+7
Chu Hữu Khuê được nhớ đến là hoàng đế Trung Quốc có mẹ là kỹ nữ. Với xuất thân thấp kém, mẹ con ông không có quyền lực lớn. Để đăng cơ lên ngôi hoàng đế, ông cả gan giết vua cha.
Một hoàng đế Trung Quốc có số phận "chìm nổi" vừa đáng thương vừa đáng hận trong lịch sử phong kiến là Chu Hữu Khuê (888 - 913).
Theo các ghi chép lịch sử, Chu Hữu Khuê là con trai hoàng đế Chu Ôn của vương triều Hậu Lương.
Trước khi đăng cơ lên ngôi hoàng đế, Chu Ôn từng dẫn binh hành quân. Do bản tính háo sắc nên ông đã có khoảng thời gian vui vẻ với một kỹ nữ. Mỹ nhân lầu xanh này sinh cho ông một người con trai. Đó chính là Chu Hữu Khuê.
Chu Hữu Khuê là con trai thứ 3 của Chu Ôn. Do là con của kỹ nữ sinh ra nên Chu Hữu Khuê không có địa vị ngang bằng các hoàng tử khác.
Sau khi Chu Ôn đăng cơ trở thành hoàng đế Hậu Lương, mẹ con Chu Hữu Khuê mới được đón vào cung và được công nhận là thành viên hoàng tộc.
Dù được phong vương nhưng Chu Hữu Khuê vẫn thua kém các anh em cùng cha khác mẹ. Thậm chí, ông bị đánh giá là hoàn toàn không có cơ hội trở thành người thừa kế ngai vàng.
Chu Hữu Khuê còn phải nhẫn nhục chịu đựng vua cha Chu Ôn cướp vợ của mình vì bản tính háo sắc. Do đắm chìm trong tửu sắc suốt nhiều năm nên sức khỏe Chu Ôn ngày càng xấu đi.
Khi vua cha đổ bệnh phải nằm trên giường, Chu Hữu Khuê toan tính và lên kế hoạch giết cha đoạt ngôi.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, Chu Hữu Khuê dẫn theo 500 quân sĩ tinh nhuệ xông vào cung giết cha. Kế đến, ông đăng cơ lên ngôi hoàng đế. Dù đã là vua một nước nhưng ông hoàng này tiếp tục tàn sát nhiều anh em để tránh bị soán ngôi như đã làm với cha ruột.
Sau 8 tháng tận hưởng cuộc sống quyền lực của người đứng đầu nhà Hậu Lương, Chu Hữu Khuê bị lực lượng của Chu Hữu Trinh tấn công tiêu diệt vì tội giết cha đoạt ngôi. Theo đó, Chu Hữu Khuê trở thành một trong những ông hoàng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.