Dân Việt

Thủ tướng quyết định mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ

Văn Long 21/03/2023 15:21 GMT+7
Trong quá trình mở rộng TP.Đà Lạt ra các vùng phụ cận như Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà sẽ chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. 

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP.Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.

Mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 1.

Phạm vi mở rộng TP.Đà Lạt gồm các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với cao trình 850 m trở lên. Ảnh: Văn Long.

Việc điều chỉnh quy hoạch TP.Đà Lạt đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TP.Đà Lạt và vùng phụ cận. 

Tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của thành phố Đà Lạt để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô thị. 

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 2.

Việc mở rộng trên đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TP.Đà Lạt. Ảnh: Văn Long.

Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận dựa trên quan điểm mở rộng phạm vi không gian đô thị TP.Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị. 

Chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ và một số khu chức năng đô thị có giá trị sử dụng đất hiệu quả.

Bên cạnh đó, đưa những khu sản xuất đất nông nghiệp chưa hiệu quả, hiệu quả thấp, thuần túy về nông nghiệp chuyển sang dạng kết hợp và cũng chuyển một phần sang dịch vụ và các hoạt động khác hiệu quả cao hơn tránh tình trạng chuyển đổi mạnh đất nông nghiệp. 

TP.Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung giữa dịch vụ du lịch và nông nghiệp gắn bó rất chặt chẽ, có sự hài hòa trong định hướng, có giải pháp và hiệu quả hợp lý hơn.

Mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 3.

Quá trình mở rộng TP.Đà Lạt sẽ Chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ. Ảnh: Văn Long.

Việc điều chỉnh quy hoạch TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của TP.Đà Lạt phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và của đất nước. 

Trong đó, đón đầu những dự án sắp tới của Đà Lạt như đường cao tốc, hàng không mà tỉnh Lâm Đồng đang triển khai. Điều chỉnh lần này để đáp ứng hiện tại và tương lai của thành phố, nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế và ách tắc về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt.

Thủ tướng quyết định mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 4.

Việc mở rộng TP.Đà Lạt sẽ tạo điều kiện để kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Ảnh: Văn Long.

Theo tính toán quy mô dân số đến năm 2035 đạt khoảng 1,1 triệu người (trong đó dân số đô thị khoảng 850.000 - 900.000 người, dân số nông thôn khoảng 250.000 người). Đến năm 2045 khoảng 1,9 triệu người (trong đó dân số đô thị khoảng 1.500.000 - 1.550.000 người, dân số nông thôn khoảng 400.000 người).

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, giúp thay đổi toàn diện về điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ sản xuất, cơ sở vật chất hạ tầng và đời sống của người dân.

Thủ tướng quyết định mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 5.

Ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt bậc, đi cầu cả nước. Ảnh: Văn Long.

Đến nay, trình độ canh tác, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của người dân được cải thiện đáng kể. Hầu hết người sản xuất trong tỉnh đều đủ khả năng tiếp nhận, ứng dụng các loại hình máy móc, công nghệ kỹ thuật mới, nhiều đơn vị đã làm chủ được các công nghệ hiện đại trên thế giới để ứng dụng vào sản xuất và chuyển giao cho người dân.

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 64.000ha sản xuất đáp ứng các tiêu chí sản xuất công nghệ cao, chiếm 21% diện tích đất canh tác toàn tỉnh. Tỉnh có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận. 

Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ước đạt 35-40% giá trị sản xuất toàn ngành và đạt bình quân 400 triệu đồng/ha với nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm, đóng góp lớn cho kết quả phát triển của ngành nông nghiệp.

Thủ tướng quyết định mở rộng TP.Đà Lạt ra vùng phụ cận, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ - Ảnh 6.

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 64.000ha sản xuất đáp ứng các tiêu chí sản xuất công nghệ cao. Ảnh: Văn Long.

Cũng theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, trong thời gian tới địa phương sẽ tập trung đầu tư nguồn lực và có những chương trình, hoạt động cụ thể để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao. 

Tiếp tục mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao, rút ngắn chênh lệch về trình độ canh tác giữa các vùng. Quản lý và phát triển diện tích nhà kính phù hợp, đẩy mạnh sản xuất chứng nhận hữu cơ, công nghệ sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.