Anh Đàm Văn Thủy chia sẻ về quá trình khởi nghiệp kết hợp nuôi con đặc sản và làm du lịch. VD: NN
Từng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Quản lý đất đai (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ra trường có một công việc ổn định, năm kiếm vài trăm triệu nhưng với tình yêu quê hương, chàng trai trẻ Đàm Văn Thuỷ (Hồng Thái, Na Hang, Tuyên Quang) vẫn quyết định quay về quê hương khởi nghiệp, giúp người dân thoát nghèo.
Xã Hồng Thái được biết đến là xã xa nhất nơi vùng cao nhất của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc. Bởi vậy, ly hương chính là con đường duy nhất để thoát nghèo đối với những người trẻ tại Hồng Thái. Tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định tại Thành phố như Thủy là chuyện xưa nay hiếm với một người con của xã miền núi nghèo. Mặc dù vậy, chàng thanh niên trẻ vẫn nung nấu ước mơ và khát khao về quê để khởi nghiệp.
Đàm Văn Thủy chia sẻ: “Từ khi còn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mình đã thường xuyên được thầy cô cho đi thực tế tại các trang trại, mình rất thích. Bên cạnh đó, quê hương mình vài năm trở lại đây khách du lịch bắt đầu biết đến. Bởi vậy mà ước mơ xây dựng một trang trại kết hợp du lịch sinh thái lại nhen nhóm trong mình. Chỉ chờ thời cơ là mình quyết định trở về quê hương”.
Để khởi nghiệp, dù ở bất cứ độ tuổi nào, sự ủng hộ của gia đình và người thân là động lực rất lớn để quyết tâm vượt lên khó khăn, thử thách, gây dựng sự nghiệp. Nhưng với Thủy, sự phản đối của gia đình đã là rào cản rất lớn đối với chàng trai này. Thủy cho biết: “Quê hương mình nghèo lắm. Dù lúc sinh viên mình đã có ước mơ làm trang trại, thế nhưng, bố mẹ mình lại không đồng thuận. Bố mẹ chỉ muốn mình có một công việc an nhàn bởi đã mất công đi học đại học suốt 4 năm trời. Do không được sự đồng ý của bố mẹ, mình đã quyết định ở Hà Nội làm việc một năm để tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc. Sau khi đã có chút vốn liếng, mình trở về quê hương để thuyết phục bố mẹ ở nhà xây dựng kinh tế trang trại, làm du lịch sinh thái”.
Được ví như Đà Lạt giữa đại ngàn Tây Bắc, xã Hồng Thái nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển. Nơi đây sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa, có thời tiết đủ 4 mùa trong ngày. Hồng Thái cũng là xã sở hữu hơn 80ha ruộng bậc thang trải dài tít tắp hay những vườn lê trắng muốt khi xuân sang. Từ vài năm trở lại đây, Hồng Thái trở thành địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến với mảnh đất này. Nhờ du lịch, nhiều sinh kế mới đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được biết đến là vùng đất thơ mộng, non nước giao hòa, với nhiều truyền thuyết về đất trời, thiên nhiên, văn hóa, con người. Thế nhưng, Na Hang cũng được biết đến là huyện nghèo nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Nhận thấy lợi thế từ du lịch, trong khi các gia đình tại đây chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm tự cung tự cấp với lượng nhỏ, Đàm Văn Thủy đã quyết định xây dựng trang trại nuôi con đặc sản, kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm để gia tăng kinh tế cho gia đình. Đàm Văn Thủy cho biết: “Khách lên Hồng Thái ngày càng nhiều nên nhiều khi thực phẩm chỉ đủ tự cung tự cấp cho gia đình không đủ phục vụ du khách nên mình đã nghĩ đến việc làm mô hình cung ứng thực phẩm là những đặc sản núi rừng được chăn nuôi, canh tác an toàn”.
Sở hữu trang trại rộng gần 2 héc ta, Thủy chăn thả lợn rừng theo hình thức bán hoang dã. Thay vì chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, Thủy tự phối trộn thức ăn như các loại rau xanh, chuối... giúp vật nuôi lớn từ từ, chắc thịt, thơm ngon. Các loại rau rừng đặc sản như rau tầm bóp, rau dớn, rau bò khai cũng được Thủy trồng trong trang trại để làm nguồn cung ứng thực phẩm. Đến nay, trang trại Thủy thường xuyên duy trì đàn lợn ở khoảng 300 con để phục vụ hoạt động du lịch. Thu nhập từ việc chăn nuôi lợn đã giúp cho Thủy có nguồn kinh tế ổn định trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Những vị khách khi đến với homestay của gia đình Thủy sẽ được trực tiếp thưởng thức những món ăn đặc sản tại trang trại do Thủy cung cấp. Nhờ đó, Thủy ngày càng tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường.
Thủy chia sẻ: “Mình có 1 số trang hội nhóm chăn nuôi trên Facebook, Tik Tok. Nhờ đó, khách du lịch thường xuyên tới homestay nhà mình lưu trú và đa phần họ rất thích. Khi đến homestay nhà mình, du khách sẽ được trực tiếp quan sát công việc mình làm tại trang trại, họ được trải nghiệm cho lợn ăn, cũng như được thưởng thức các món ăn trực tiếp từ trang trại. Bởi vậy, mình đã tạo dựng niềm tin với khách hàng. Khi trở về nhà, họ cần cung cấp thực phẩm sạch mình có dịch vụ giao hàng tận nơi”.
Đến nay, qua hơn 2 năm khởi nghiệp, trang trại của Thủy không chỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch lưu trú tại homestay của gia đình mà còn cung cấp cho cả các hộ làm du lịch khác ở trong xã. Thu nhập từ trang trại mỗi năm đạt hơn 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Những đóng góp của Thủy cũng như một bộ phận các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Na Hang thời gian qua đã được chính quyền địa phương đánh giá cao.
Ông Nguyễn Trọng Đoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trong thời gian qua, do dịch bệnh Covid- 19 nên có nhiều thanh niên sau khi học xong chưa xin được việc đã tận dụng lợi thế tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch, thành lập các Hợp tác xã cung ứng rau củ quả đặc sản, chế biến lâm sản ... Thông qua các hoạt động đó, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều mô hình phát huy được bản sắc của địa phương. Đặc biệt, những đóng góp của thanh niên đã mang đến một sức trẻ cho vùng quê, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm với tư duy đổi mới, những bạn trẻ như Thủy đã trở thành thế hệ nông dân mới ở huyện Na Hang, đánh thức những sản vật địa phương, phát triển du lịch sinh thái, giảm nghèo cho người dân trên chính quê hương mình.