Dân Việt

Nguy cơ trẻ mắc bệnh sợ học khi phụ huynh chạy đua vào lớp 1

Vân Huyền 21/03/2023 09:00 GMT+7
Không ít phụ huynh phải ngồi học cùng con vài tháng trước khi trẻ vào lớp 1.

Song, thực tế, việc ép con đi học trước, nhắc nhở quá nhiều sẽ triệt tiêu mất tính tự giác của trẻ, đồng thời, mong muốn của cha mẹ cho con vào trường nổi tiếng cũng mang đến tác động tiêu cực.

Việc trẻ biết chữ trước khi đi học sẽ làm đảo lộn, thay đổi chương trình đã được thiết kế. Trong khi đó, chương trình là để dạy trẻ từng bước một. Song, điều đó không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc con khi bé sắp tới trường.

Không để con học trước

Ngày 25/2, Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới phát hồ sơ cho các con vào lớp 1 năm học 2023 - 2024. Theo thông báo của nhà trường, số lượng hồ sơ phát hành là 360 bộ nhưng chỉ tuyển 180 chỉ tiêu. Nhưng ngay từ đầu giờ chiều ngày 24/2, nhiều người đã ra chờ sẵn giờ mở bán hồ sơ để đăng ký cho con.

Năm nay, trường mở bán hồ sơ sớm nhưng số lượng phụ huynh đăng ký vẫn rất đông. Đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng này ở Trường Marie Curie hay nhiều cơ sở giáo dục khác ở Hà Nội.

Thực tế, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo sợ, hoang mang khi con chuẩn bị bước vào lớp 1. Đặc biệt, nhiều cha mẹ cho rằng, việc cần thiết là dạy trẻ đọc thông, viết thạo trước khi bé tới trường.

Chị Nguyễn Hoài Thu - một phụ huynh có con sắp vào lớp 1 tại Cầu Giấy (Hà Nội) - chia sẻ: “Từ khi mới 3 tuổi, con tôi đã nói rành rọt, phân biệt được màu sắc, biết đọc các con số, cũng như một vài chữ cái. Tôi thấy cháu thông minh hơn so với bạn cùng lứa nên muốn cho con học chữ sớm. Tôi cũng tìm hiểu thấy nhiều cảnh báo về tác hại của việc cho trẻ học chữ sớm nên còn do dự. Tuy nhiên, hiện nay, tôi thấy ai cũng muốn con mình biết chữ trước khi đi học. Vì vậy, tôi đang phân vân về vấn đề này”.

Ngay từ khi con gái lên 3 tuổi, chị Đỗ Hồng Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) đã xác định, việc chọn trường, lớp cho bé là không dễ. Dù tháng 9 năm nay con mới vào lớp 1, nhưng từ trước Tết, chị Nhung đã tìm hiểu các lớp tiền tiểu học cho trẻ.

“Tôi nghe nói, hiện nay, chương trình mới rất nhanh và khó. Nếu con vào lớp 1 chưa biết viết, đọc sẽ rất khó để theo kịp các bạn. Vì vậy, tôi đang tìm lớp tiền tiểu học cho con”, chị Nhung bày tỏ. Bên cạnh việc sốt sắng tìm lớp học thêm, điều khiến nữ phụ huynh này băn khoăn là nên chọn trường nào cho trẻ.

Theo chị Nhung, nếu cho con học trường công lập gần nhà, vợ chồng chị sẽ rất thuận tiện trong việc đưa đón bé. Học phí hằng tháng cũng hợp lý. Tuy nhiên, chị vẫn băn khoăn khi nghe nhiều người nói rằng, trường ngoài công lập có tiếng cùng với số lượng học sinh ít hơn. Song, chị vẫn chưa quyết định bởi các trường này xa khu vực sống, học phí cũng đắt hơn.

Nguy cơ trẻ mắc bệnh sợ học khi phụ huynh chạy đua vào lớp 1 - Ảnh 1.

Việc yêu cầu trẻ biết đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 là không nên. Ảnh minh họa.

Không chỉ chị Nhung, rất nhiều ông bố, bà mẹ khác có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng băn khoăn việc chọn trường. Thậm chí, không ít phụ huynh tìm mọi cách để con được học tại những trường “chuyên”, lớp “chọn”.

TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, không ít phụ huynh phải ngồi “kè kè” học cùng con vài tháng trước khi trẻ vào lớp 1. Việc ép con đi học trước, nhắc nhở bé làm đủ thứ sẽ triệt tiêu mất tính tự giác của trẻ. Thậm chí, việc phụ huynh giám sát con học như “quản giáo” sẽ khiến bé sợ học.

Từ các suy nghĩ và cảm giác của chính mình, TS Hương cho biết mình hiểu rằng, việc “dạy chữ trước và nhắc con học” sẽ khiến đứa trẻ chán học đến thế nào và ỷ lại ra sao. Học cùng, cũng như giảng bài cho con sẽ khiến trẻ lười suy nghĩ. Khi trưởng thành, “bị bỏ mặc” với bài tập ở đại học, cao học, tiến sĩ, nữ chuyên gia cho biết đã tự nhận ra việc học quan trọng và buộc phải học nghiêm túc.

Từ chính mình, TS Hương đã hiểu và tìm cách dạy con tự giác. “Hãy để cho bọn trẻ tự do vượt qua khó khăn của chính mình. Đừng nhắc, đừng giảng, đừng giúp đỡ nữa. Sự giúp đỡ không đúng lúc sẽ phản tác dụng và gây bất hòa”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến - Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam - cho biết, việc con biết chữ trước khi bước vào lớp 1 là không cần thiết. Thậm chí, hiện nay, có nhiều kiến nghị là cấm không dạy học sinh chuẩn bị vào lớp 1 biết chữ trước.

Theo chuyên gia Hải Yến, việc nuôi dạy trẻ phải tùy vào khả năng, tình trạng, tố chất, bản thể. Từ đó, huấn luyện một cách phù hợp từng trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con, tôn trọng quyền lựa chọn của trẻ.

“Để có được những chiến lược phù hợp, cha mẹ phải học cách quan sát con mình. Làm thế nào để học được cách quan sát và thấu hiểu con? Đầu tiên, phải học cách quan sát, thấu hiểu chính mình. Sau đó, với một mô thức như vậy, chúng ta sẽ học cách quan sát con, vợ/chồng để thấu hiểu và tạo nên những mối quan hệ, điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống gia đình”, nữ chuyên gia cho biết.

Việc muốn con phát triển là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bố mẹ. Mong muốn này mà giúp con phát triển hết khả năng của mình thì đó là điều tuyệt vời. Song, nếu nó tạo ra những điều khiến mình không quản trị được cảm xúc, mà lại bật lên những cảm xúc tiêu cực thì sẽ trở thành không hợp lý. Mong cho con tốt nhưng mình phải làm thế nào để trẻ thực sự được sống trong môi trường tích cực. Đồng thời, cảm xúc của cha mẹ và các con cần luôn được nuôi dưỡng trong môi trường tích cực. Đó mới là điều tốt. Nếu không, sẽ trở thành tình yêu thương không phù hợp, một tình yêu thương có kỳ vọng, có điều kiện.

Nguy cơ trẻ mắc bệnh sợ học khi phụ huynh chạy đua vào lớp 1 - Ảnh 2.

Cha mẹ cần có chiến lược phù hợp khi giáo dục trẻ. Ảnh minh họa.

Những lỗi thường gặp

Theo bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), người được biết đến nhiều hơn với biệt danh mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam - cho rằng, việc phản đối con đọc và viết trước khi vào lớp 1 không có nghĩa là bỏ mặc con. Đồng hành cùng trẻ vào lớp 1, cha mẹ vẫn nên dạy con đánh vần, nhận mặt chữ cái, con số, làm vài phép tính đơn giản… Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, cha mẹ thường có những nhầm lẫn.

Nhầm lẫn đầu tiên là cha mẹ thường đọc bảng chữ cái theo tên chữ mà không phải theo tên âm cũng như đánh vần theo kiểu cũ. Phụ huynh cũng có thể lẫn lộn khái niệm chữ và chữ cái hoặc đọc sai tên nét.

“Luyện cho bé tập tô các nét cũng được (nếu các bé thích), nhưng bố mẹ cũng cố gắng đọc đúng tên nét: Nét hất, nét móc ngược, nét móc xuôi, nét xổ thẳng, nét cong kín, nét cong hở… Có thể chưa cần dạy bé tên các nét này, nhưng mỗi khi con tô, cha mẹ nên nhắc: Con tô cho mẹ nét móc chẳng hạn thì cũng giúp bé dễ làm quen khi vào lớp 1”, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Một lỗi sai khác nhiều phụ huynh mắc là cho con tập tô chữ giữa chừng. Nếu đã thực sự tô chữ thì chỉ tô ít. Bởi, việc tô nhiều sẽ khiến trẻ chán học. Song, khi đã tô một chữ thì nhất định phải hướng dẫn bé liền tay, đừng tô rồi dừng lại giữa một chữ. Điều đó sẽ tạo thành thói quen xấu.

Ngoài ra, một số cha mẹ cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô. “Đừng cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô, tập viết. Vào lớp 1, đến hết học kì I, cô giáo mới cho dùng bút mực nên bố mẹ hãy giữ cho con cảm xúc vì được dùng một dụng cụ viết “rất đặc biệt”. Ban đầu, cứ để con dùng bút chì thôi”, nữ giảng viên cho biết.

Một lỗi sai khác là phụ huynh cho con tập tô trên vở không dòng kẻ. Theo bà Phan Hồ Điệp, cha mẹ không nên cho con tập tô, tập viết trên các cuốn vở không có dòng kẻ hoặc không phải dòng kẻ 5 li. Vào lớp 1, các con sẽ viết trên vở có dòng kẻ 5 li. Trẻ cũng sẽ học khái niệm về đường kẻ ngang trên, ngang dưới… Do đó, nếu dùng không thống nhất sẽ làm các bé bối rối.

Bên cạnh đó, khi đọc cho con, cha mẹ không cần cố gắng cong lưỡi ở những chữ có phụ âm đầu là gi, tr, s, r, trừ trường hợp mình đến từ vùng phương ngữ vốn đã phát âm như vậy. Việc cố gắng cong lưỡi sẽ làm bé cảm thấy khó khi đọc thành tiếng. Từ đó, khiến trẻ đọc thiếu tự nhiên. Vì vậy, cha mẹ nên đọc bình thường, như cách đọc của phát thanh viên người Hà Nội.

Có thể những điều dễ nhầm lẫn trên sẽ khiến các bố mẹ cảm thấy: “Chà, mệt thật đấy”, nhưng giảng viên Phan Hồ Điệp cũng nhắn nhủ rằng: “Các bạn đừng lo, những điều này sẽ được các bé học tự nhiên trong suốt cả năm lớp 1. Mục đích cuối cùng của giáo dục không phải để khiến cho các phụ huynh có khả năng sư phạm như một giáo viên”.

Nữ chuyên gia chia sẻ, sẽ chỉ khó tha thứ nếu cha mẹ mắc lỗi là: Ép uổng con, bắt trẻ phải học cho bằng bạn bằng bè, làm cho bé vừa học vừa mếu máo sợ hãi. Song, các phụ huynh cũng cần nhớ rằng, việc bỏ mặc con hoặc tặc lưỡi: Lớp 1 dễ ợt đấy mà, học kiểu gì chả được… cũng là lỗi sai.

“Ranh giới giữa việc yêu con đúng cách và yêu con có kỳ vọng đôi khi rất mong manh. Ngay cả tôi bây giờ vẫn cứ phải rèn luyện để cho mình thực sự ‘thức tỉnh’ trong việc nuôi con. Từ đó, tôi cũng mong rằng, mỗi ngày chúng ta sẽ rèn luyện để chúng ta thực sự yêu thương con của mình mà không có điều kiện, yêu thương hoàn toàn vô điều kiện”, chuyên gia Hải Yến nhấn mạnh.