Dân Việt

Hành trình 35 năm Agribank: Bản sắc riêng, tầm nhìn mới

Huyền Anh 23/03/2023 08:00 GMT+7
Cứ thử tưởng tượng, nếu không có dòng vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là từ Agribank thì nền nông nghiệp nước nhà, bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ trở về giai đoạn nào của lịch sử?

35 năm trước, vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi đất nước đang đứng trước vận mệnh Đổi mới như một tất yếu của lịch sử thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam ra đời.

Sứ mệnh được định vị từ ngày đầu thành lập của Agribank là phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.

Hành trình 35 năm Agribank: Bản sắc riêng, tầm nhìn mới - Ảnh 1.

Nguồn: Agribank

Vượt gian khó, vươn xa nhờ bản sắc riêng có

Agribank ra đời với nhiệm vụ chính đó là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn – nơi có mức sống thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ tay nghề, trình độ khoa học - công nghệ còn thấp. Đây cũng là thị trường mà các ngân hàng khác không có ý định tiếp cận do chi phí cao, quản lý khó mà lợi nhuận thấp.

Thành lập vào thời kỳ "giao thoa" mang tính lịch sử của nền kinh tế nước nhà, những tàn dư của tư duy và cơ chế kinh tế cũ vẫn còn khá nặng nề, Agribank còn bị hạn chế bởi điểm "xuất phát" thấp với tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chiếm 42%, còn lại 58% vay từ Ngân hàng Nhà nước; tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên 10%.

Đặc biệt, khách hàng chủ chốt của ngân hàng khi đó là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, sáp nhập, giải thể, tự tan rã… Trong bối cảnh ấy, Agribank đã phải trải qua những năm tháng khởi đầu không hề dễ dàng.

"Tồn tại và phát triển" bằng cách nào? – Ngân hàng đã "chọn" cho mình một lối đi khác biệt tạo bản sắc riêng có, đó là đẩy mạnh cho vay các hộ sản xuất cá thể với kim chỉ nam hoạt động "nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính".

Hành trình 35 năm Agribank: Bản sắc riêng, tầm nhìn mới - Ảnh 2.

Trự sở chính Agribank.

Lối đi khác biệt, bản sắc riêng có - những cán bộ Agribank ngày ấy luôn tin tưởng vào lựa chọn của mình. Agribank ngay lập tức "bắt tay" thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số địa phương như: Hà Bắc, An Giang, Long An và huyện Bình Chánh thuộc TP Hồ Chí Minh.

Không phụ sự tin tưởng ấy, Agribank đã thành công bước qua 8 năm bản lề có ý nghĩa sinh tử trong lịch sử 35 năm thành lập và trưởng thành.

Chưa dừng lại, nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, quản lý hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hộ, Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ vay vốn tại xóm thôn, bản làng và triển khai mô hình ngân hàng lưu động.

Trong đó, mô hình tổ vay vốn cũng có thể coi là "bản sắc riêng có" của Agribank trên thị trường tài chính tín dụng nông thôn mà không một ngân hàng thương mại nào có được dù 35 năm trước hay thời điểm hiện tại.

Không chỉ vận động tuyên truyền, định hướng cách làm ăn, mà quan trọng hơn tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất. Việc cung ứng vốn kịp thời từ tổ vay vốn đã phát huy tiềm năng lao động và sáng tạo của người nông dân, tạo nên sức bật trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, Agribank đã thực hiện cho vay trên 69.000 tổ vay vốn với trên 1,4 triệu tổ viên, dư nợ đạt 167.000 tỷ đồng. Các đoàn thể, Hội Phụ nữ, Hội nông dân trở thành những "cánh tay nối dài" của Agribank trong hành trình cấp vốn cho Tam nông.

Sau thời kỳ "khai sơn phá thạch" của Agribank, các chặng đường tiếp theo trong 35 năm thành lập và trưởng thành, hoạt động của Agribank có sự thay đổi về chất, từng bước lớn mạnh vững chắc, thế và lực của Agribank đã được nâng lên một tầm cao mới.

Agribank ngày càng khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính trong nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị. Nhưng, những "bản sắc riêng có" vẫn đang được ngân hàng kế thừa và phát huy.

Cũng vì thế, vai trò và vị thế số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - "trụ đỡ" nền kinh tế, của Agribank ngày càng được khẳng định, với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch; là đối tác tin cậy của trên 30.000 doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất.

Những con số ấn tượng

Lối đi khác biệt, bản sắc riêng có, cùng với sự không ngừng nỗ lực và bền bỉ vì sự phồn thịnh của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ một ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn khiêm tốn, nay Agribank là ngân hàng nhất nhì hệ thống về các chỉ tiêu này. Quy mô tài sản tăng trên 1.260 lần và quy mô nguồn vốn tăng tới 1.619 lần sau 35 năm. Dư nợ vượt trên 1,44 triệu tỷ đồng.

Không chỉ là nhà băng duy nhất giành gần 1 triệu tỷ đồng cho tam nông, Agribank cũng là ngân hàng thực hiện nhiều nhất các chương trình tín dụng chính sách trong số các ngân hàng thương mại hiện nay.

Cụ thể, Agribank đang triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách (Cho vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ "Nông nghiệp sạch") và 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững).

Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng.

Hành trình 35 năm Agribank: Bản sắc riêng, tầm nhìn mới - Ảnh 3.

Gia đình bà Trịnh Thị Tường, làm giàu nhờ vay vốn Agribank đầu tư chăn nuôi. (Ảnh: LT)

Về kết quả kinh doanh, Agribank lọt vào Top 4 ngân hàng có hiệu quả lớn nhất hệ thống với lợi nhuận sau thuế trên 17.600 tỷ đồng (năm 2022). Đặc biệt, từ một ngân hàng nợ xấu cao (10% giai đoạn đầu thành lập), đến nay nợ xấu tại Agribank chỉ còn 1,81%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu "kỷ lục" gần 140%. Hơn 36.200 tỷ đồng là "của để dành" đến từ nguồn dự phòng rủi ro của Agribank.

Tầm nhìn mới của Agribank

Sự tin tưởng của khách hàng vào sản phẩm dịch vụ Agribank, vào đội ngũ 40.000 cán bộ nhân viên của Agribank là một trong những nguyên do lý giải cho thành quả kinh doanh tốt đẹp này của Agribank.

Niềm tin, tình yêu của bà con nông dân, của những "ông chủ" doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đối với Agribank được "bồi đắp" từng ngày. Những người nông dân như ông Nguyễn Văn Thành (Chủ trang trại Thành Thoa tại thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) hay ông Đào Xuân Hải (Chủ trang trại Hải Thêu ở Vĩnh Phúc) "chung thủy" gần 30 năm với Agribank là vì thế.

Có tin, có yêu, 1,7 triệu tỷ đồng được 18 triệu khách hàng (chủ yếu là dân cư) đang được gửi tại Agribank, mặc dù lãi suất huy động của Agribank luôn thấp nhất hệ thống. Đây là con số "trong mơ" của nhiều nhà băng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay.

Và hơn thế nữa, phía sau những con số tăng trưởng về quy mô, dư nợ hay lợi nhuận,... là chiều sâu đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn của Agribank.

Cứ thử tưởng tượng, nếu không có dòng vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là từ Agribank thì nền nông nghiệp nước nhà, bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ trở về giai đoạn nào của lịch sử?

Hành trình 35 năm Agribank: Bản sắc riêng, tầm nhìn mới - Ảnh 4.

Trong thời gian tới, Agribank cho biết, ngân hàng thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song trong chiến lược phát triển, Agribank vẫn kiên định với mục tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn là "địa bàn lõi", khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính.

Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn còn tỷ lệ lớn người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Agribank chủ động xây dựng phương án để cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; Bên cạnh đó, Agribank chủ động triển khai các công việc liên quan chuẩn bị quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Một khi chuyển sang mô hình cổ phần hóa, Agribank tin tưởng sẽ càng có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh vì "Tam nông".

Trong những năm qua, Agribank luôn là một trong những ngân hàng hỗ trợ lớn nhất với nền kinh tế.

Đặc biệt, trong năm 2021, Agribank đã dồn toàn lực để tiết giảm chi phí, kiểm soát chất lượng tín dụng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ thanh toán năm 2021 của Agribank lên tới 7.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng.

Với con số này, Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi, phí nhiều nhất, tích cực đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn. Cũng trong năm 2021, Agribank dành hơn 500 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội.

Trong năm 2022, Agribank chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất, cho vay ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần tích cực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, ngân hàng cũng dành khoảng 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế cho người nghèo; mở rộng Chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập "Thêm con chữ, bớt đói nghèo", "Agribank vì tương lai xanh" tại nhiều địa phương trên cả nước, tiếp tục đóng góp quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Năm 2023, Agribank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tiên phong giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Mỗi năm Agribank giành 300 - 400 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, riêng năm 2022 là 600 tỷ đồng.