Dân Việt

Vì sao cuộc khởi nghĩa chống Pháp của N'Trang Lơng khiến Tây Nguyên rung chuyển?

MA 23/03/2023 19:31 GMT+7
Khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, tiêu biểu nhất trên địa bàn Tây Nguyên trong hơn 30 năm đầu thế kỷ 20. Cuộc khởi nghĩa đã chứng minh tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ của dân tộc.

Đầu năm 1905, toàn quyền Đông Dương chuẩn y kế hoạch lấy khu vực người M’Nông, Xtiêng tại cao nguyên đồng cỏ, tức cao nguyên M’Nông (khu vực Đăk Nông ngày nay) trên bán đảo Đông Dương làm một tỉnh mới – tỉnh Tây Kỳ tự trị, cử Henri Maitre – Tham tán bậc ba của Chính phủ Pháp làm Đại lý hành chính trên cao nguyên này.

Mùa khô năm 1910 – 1911, theo lệnh của Henri Maitre, quân Pháp từ đồn Bou Pou Sra tiến về đánh các làng bất phục tùng. Quê hương của N’Trang Lơng – một tù trưởng người dân tộc M’Nông – bị đốt phá.

Vì sao cuộc khởi nghĩa chống Pháp của tù trưởng N'Trang Lơng khiến Tây Nguyên rung chuyển? - Ảnh 1.

Sau 3 năm xây dựng lực lượng (1909 – 1912), N’Trang Lơng đã phát động một phong trào khởi nghĩa rộng lớn, có tổ chức chặt chẽ trên khắp cao nguyên M’Nông. Đầu năm 1912, thời cơ chín muồi, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công tiêu diệt đồn Bou Pou Sra, tiêu diệt phái bộ hành chính.

Từ giữa năm 1912 đến cuối năm 1913 là thời kỳ thực dân Pháp trở lại khủng bố trả thù nghĩa quân của ông. Henri Maitre liên tục hành quân càn quét các làng khởi nghĩa, thi hành chính sách đốt sạch, phá sạch. Trong một trận càn quét, Henri Maitre đã giết hại vợ và các con của N’Trang Lơng. Sau một thời gian cầm cự với giặc, ông rút quân vào rừng sâu thuộc lưu vực sông Đa Đơng ở Tây Di Linh để bảo toàn lực lượng.

Đầu tháng 8/1914, N’Trang Lơng lãnh đạo nghĩa quân hạ đồn Bou Méra. Vì lực lượng của địch mạnh, ông chủ trương dùng kế trá hàng, dụ Henri Maitre và một số lính của hắn ra khỏi đồn để tiêu diệt.

Ngày 2/8/1914, tại lễ “đầu thú” tổ chức ở Bu Nor do Rơ Ong Leng và R’Dinh triệu tập, N’Trang Lơng đã trà trộn trong hàng ngũ những người thủ lĩnh “ra đầu thú”. Khi làm lễ “cúng vũ khí” theo tập tục M’Nông, ông đã xông vào giết chết Henri Maitre, đồng thời nghĩa quân đánh bất ngờ vào số lính khố xanh có mặt, tiêu diệt toàn bộ số địch đến dự lễ.

Tối ngày 31/7/1914, nghĩa quân của N’Trang Lơng hóa trang thành lính Pháp đột nhập vào Bu Mêra, tiêu diệt toàn bộ số lính địch còn lại ở đây và phóng hỏa đốt đồn.

Sau chiến thắng Bu Nor và Bu Mêra, thanh thế của N’Trang Lơng vang dội khắp miền nam Tây Nguyên. Các bộ lạc M’Nông đi theo nghĩa quân của ông rất đông đảo.

Trong những tháng tiếp theo, nghĩa quân đã triệt hạ các đồn Pu Klin, Bu Poustra, Pu Thông. Tên Huyện trưởng tay sai của địch ở Pu Klin bị giết.

Ngày 14/1/1915, quân Pháp đến trú quân trong một eo núi thuộc làng Bu Tiếng. Sáng tinh mơ ngày 15/1/1915, nghĩa quân trườn theo sườn núi đánh xuống quân Pháp, giết các sĩ quan chỉ hủy và một số lớn lính đi theo, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của Pháp.

Chiến thắng Bu Tiếng là một đòn mạnh thứ hai đánh vào đầu não của thực dân Pháp ở Tây Nguyên. Sau chiến thắng này, phong trào đấu tranh của đồng bào M’Nông càng phát triển mạnh mẽ, quân Pháp co cụm về vùng châu thổ tỉnh Kratié (Campuchia). Cả vùng rộng lớn được hoàn toàn giải phóng trong một thời gian dài.

Từ năm 1916, thực dân Pháp tiến hành chính sách bao vây, triệt đường tiếp tế muối lên vùng cao nguyên M’Nông. Trước tình hình đó, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công đánh thẳng vào tuyến kiểm soát của địch ở Kratié, trong đó có đồn Sray Chis nhằm phá thế bao vây, cô lập. Trận tiến công buộc quân Pháp nhất thời co cụm lại.

Năm 1928, thực dân Pháp chính thức đẩy mạnh việc hoàn thành con đường chiến lược 14, tăng cường những cuộc đàn áp với quy mô lớn nhằm bình định cao nguyên M’Nông.

Từ năm 1929, nghĩa quân tiếp tục hoạt động chống phá chính sách bình định của thực dân Pháp. Cuối năm 1932, nghĩa quân N’Trang Lơng giành lại thế chủ động đánh địch trên cao nguyên. Tháng 3/1933, nghĩa quân triệt hạ đồn binh số 65, khiến cho thực dân Pháp hết sức lo lắng. Địch liền điều một lực lượng lớn gồm các đơn vị lính khố đỏ, khố xanh và lính Khơ me cùng với máy bay tấn công vào các làng Bu Than và Bu Giu. Đồng thời, thực dân Pháp xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm khống chế các hoạt động của người Xtiêng, M’Nông, Biệt, Bu Nor và Preh.

Trước cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp, nghĩa quân phải rút vào rừng sâu. Tháng 1/1934, N’Trang Lơng tổ chức tập kích đồn Roland, tiêu diệt một số lính địch. Hôm sau, nghĩa quân tấn công đồn Bu Koh nhưng không thành công. Tháng 4/1935, nghĩa quân tấn công đồn số 65 nhưng bị đẩy lùi. Từ tháng 3/1935 đến tháng 6/1935, địch mở cuộc truy quét quyết liệt vào nghĩa quân, nhiều thủ lĩnh bị bắt và hi sinh.

Ngày 20/5/1935, do nội phản dẫn đường, thực dân Pháp tìm ra nơi trú ẩn của N’Trang Lơng. Bị tiến công bất ngờ, ông không kịp chống đỡ và rơi vào tay giặc. N’Trang Lơng mất ngày 23/5/1935. Không còn thủ lĩnh, những người đồng chí kiên trung của ông cũng bị bắt, phong trào chống Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo kết thúc.

Cuộc khởi nghĩa thể hiện sức sáng tạo to lớn của N’Trang Lơng – người con vĩ đại của dân tộc Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh giữ đất, giữ làng và giải phóng Tổ quốc, chứng tỏ sức mạnh tiềm tàng của nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.