Ngày nối tiếp đêm là một quy luật đã diễn ra từ trước đến nay, gắn liền với lịch sử nhân loại. Nhưng hãy tưởng tượng có lúc bạn không thể trải nghiệm ánh sáng ban ngày? Hãy tưởng tượng không biết khi nào thức dậy và đi làm vì trời lúc nào cũng tối.
Đây là điều đã xảy ra với Rjukan, một thị trấn nhỏ ở Na Uy, trong suốt hàng trăm năm. Trong 1 năm dương lịch, Rjukan sẽ không được ánh sáng mặt trời chiếu tới trong hơn 6-7 tháng/năm, vì thị trấn này nằm dưới đáy của một thung lũng dốc đứng theo hướng đông-tây ở vùng Telemark phía nam Na Uy. Nó được bao quanh bởi những ngọn núi, bao gồm cả Gaustatoppen cao gần 2000m. Và để khắc phục tình trạng đó, cư dân thị trấn đã nghĩ ra một giải pháp biến điều không thể thành có thể.
Rjukan được thành lập như một thị trấn dành cho các nhân viên của Norsk Hydro, một nhà máy sản xuất nhôm vẫn đang phát triển mạnh mẽ ngày nay. Sam Eyde, người sáng lập thị trấn, đã hình thành ý tưởng xây dựng những tấm gương phản xạ ánh sáng mặt trời trên núi từ năm 1913. Nhưng thay vào đó, những người kế nhiệm ông đã xây dựng một đường cáp treo để giúp nhân viên và gia đình họ có thể tiếp cận với ánh nắng trong mùa đông. Đây là hệ thống đầu tiên ở Bắc Âu và vẫn hoạt động cho đến ngày nay.
Hồi sinh một ý tưởng cũ
Nhưng mong muốn có được ánh sáng mặt trời trực tiếp không bao giờ biến mất. Hơn 90 năm sau, người dân địa phương và nghệ sĩ Martin Andersen đã lấy lại ý tưởng này từ sử sách.
Gần 100 năm kể từ ngày ý tưởng lần đầu tiên được đưa ra, gương mặt trời Rjukan chính thức hoạt động. Cư dân địa phương giờ đây được hưởng một chùm ánh sáng mặt trời hình elip rộng khoảng 600m2 chiếu vào quảng trường thị trấn. Nhờ thế, 80% đến 100% ánh sáng mặt trời đã được truyền xuống thị trấn.
Lúc đầu, không phải ai cũng đồng ý với kế hoạch của Andersen. Nhiều người dân địa phương chỉ trích dự án trị giá 750.000 USD này, tin rằng số tiền này có thể được dùng cho các mục đích khác tốt hơn. Nhưng giám đốc dự án Øystein Haugan chia sẻ với đài truyền hình NRK của Na Uy rằng chiếc gương đã hoạt động rất tốt và thậm chí còn kéo theo một số hoạt động du lịch: "Mùa hè này có một số khách du lịch không cần đến mặt trời thật, thay vào đó họ ngồi hướng mặt vào những tấm gương mặt trời."
Người dân địa phương và khách du lịch thậm chí có thể đi bộ đến vị trí các tấm gương. Và con đường này đã dần thu hút sự chú ý như những con đường đi bộ nổi tiếng khác, bao gồm cả con đường Saboteur - con đường mà quân kháng chiến Na Uy đã sử dụng trong Thế chiến 2 trên đường làm nổ tung thiết bị tách nước nặng ở Vemork.
Hệ thống gương tại Rjukan nghe vẻ độc đáo, nhưng thực ra đây không phải là hệ thống đầu tiên trên thế giới. Trong thung lũng Antrona dốc đứng của Ý, thị trấn nhỏ Viganella cũng đã ăn mừng "ngày của ánh sáng" vào tháng 12 năm 2006, khi một tấm thép được lắp đặt để phản chiếu ánh sáng mặt trời vào quảng trường thị trấn từ tháng 11 đến tháng 2 mỗi năm.
Tuy nhiên, hệ thống gương ở Rjukan tiên tiến hơn nhiều. 3 chiếc gương rộng gần 17m2 được điều khiển bởi máy định nhiệt, đồng thời có động cơ điều khiển bằng máy tính. Các thiết bị này theo dõi chuyển động của mặt trời trên đường chân trời và liên tục điều chỉnh vị trí của các tấm gương để giữ cho ánh sáng phản xạ ổn định nhất có thể.
Thành công của dự án này đã thổi sức sống mới vào quảng trường thị trấn, đến nỗi chính quyền địa phương đã hứa hẹn về một dự án nâng cấp khác trị giá hơn 2 triệu USD.
Thị trấn Rjukan càng được khích lệ hơn nữa, khi mà vào năm 2015, khu vực này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới thứ tám của Na Uy. Đơn vị "Di sản Công nghiệp Rjukan-Notodden" sẽ gìn giữ các thị trấn công ty, nhà máy thủy điện, đường dây tải điện, xí nghiệp và hệ thống giao thông trong cảnh quan thiên nhiên ấn tượng này.
"Khu phức hợp được thành lập bởi công ty Norsk-Hydro chuyên tập hợp các kết quả khoa học và nghiên cứu từ Châu Âu và Bắc Mỹ để sản xuất thủy điện và phân bón nhân tạo từ nitơ trong không khí nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng nông nghiệp của thế giới phương Tây trong giai đoạn đầu thế kỷ 20," UNESCO tuyên bố.