Dân Việt

Vì sao không có biển cấm nhưng không được phép đỗ xe?

Nhật Minh 26/03/2023 09:41 GMT+7
Có 11 nơi mà dù không có biển cấm, lái xe vẫn không được phép dừng, đỗ xe; do đó, lái xe cần chú ý để không bị xử phạt.

Lâu nay, nhiều người tham gia giao thông vẫn có những suy nghĩ là, những nơi không có biển cấm đỗ xe thì được phép đỗ xe. Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải vậy, có 11 điểm người tham gia giao thông không thể đỗ xe mặc dù không có biển cấm.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trí cho biết, người tham gia giao thông cần đặc biệt chú ý rằng có 11 nơi mà dù không có biển cấm, lái xe vẫn không được phép dừng, đỗ xe.

Vì sao không có biển cấm nhưng không được phép đỗ xe? - Ảnh 1.

Nhiều lái xe đỗ sai quy định.

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Căn cứ khoản 4 Điều 18 Luật này, người điều khiển phương tiện không được dừng, đỗ xe tại 11 vị trí sau đây:

1. Bên trái đường một chiều;

2. Trên cầu, gầm cầu vượt;

3. Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

4. Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

5. Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

6. Nơi dừng của xe buýt;

7. Trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

8. Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

9. Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau;

10. Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

11. Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Theo đó, tại 11 vị trí nêu trên dù có hay không có biển báo cấm đỗ xe, cấm dừng và đỗ xe thì người lái xe cũng không được dừng xe, đỗ xe.

Dừng, đỗ xe tại những nơi bị cấm bị xử phạt thế nào?

Khi dừng, đỗ xe tại những nơi không được dừng, đỗ xe người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, cụ thể:

Đối với ô tô:

Dừng xe, đỗ xe tại vị trí nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ; nơi mở dải phân cách giữa: Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng (điểm đ khoản 3 Điều 5).

Đối với xe máy:

+ Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng (điểm h khoản 2 Điều 6);

+ Dừng xe, đỗ xe trên cầu: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm d khoản 3 Điều 6);

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 7).