Phan Quỳnh Anh sinh ra trong gia đình thuần nông ở Hà Tĩnh. Bố mất sớm, để đỡ đần gánh nặng cho mẹ, cô gái sinh năm 1993 không ngừng vươn lên, nỗ lực từng bước nhằm theo đuổi đam mê, thay đổi cuộc sống. Từ một giáo viên mầm non, Quỳnh Anh chinh phục các sân khấu âm nhạc, giành giải Á quân Sao Mai 2019 dòng nhạc dân gian, giải Nhất cuộc thi Giọng hát mang âm điệu dân gian Việt Nam 2018. Mới đây, cô cho ra đời album đầu tay mang tên 19xx với tham vọng chinh phục khán giả dòng nhạc nhẹ.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Quỳnh Anh về cuộc sống và sự nghiệp:
- Thực ra, hành trình hoạt động nghệ thuật của mỗi ca sĩ đều chia thành những chặng khác nhau, với nhiều thay đổi và trải nghiệm. Đa số đều thay đổi về hình thức, dựa trên phong cách âm nhạc mà họ đã xây dựng. Tuy nhiên, cũng có những ca sĩ thay đổi hoàn toàn về dòng nhạc và đã rất thành công. Tôi cũng muốn được "lột xác" như vậy.
Khi tôi ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay, lại "quay xe" từ dân gian sang nhạc nhẹ, chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả bất ngờ. Tuy nhiên, đây mới chính là con người Quỳnh Anh, mới chính là "bản ngã" mà tôi sở hữu. Ngoài đời, tôi là người khá năng động, thích sự mạnh mẽ, trẻ trung và hiện đại. Tôi nghe nhạc nước ngoài từ nhỏ, thế nên thuộc nhiều và rất thích hát các bài hát quốc tế. Lúc nào "lơ đãng" nhất mà cất lên giọng hát (một cách vô thức) thì đó chính là một câu hát nhạc nhẹ chứ không phải dân gian. Sau này, một người bạn thân đã động viên tôi "tìm về chính mình" khi thấy Quỳnh Anh chỉ thực sự thăng hoa khi hát nhạc nhẹ.
Lựa chọn dòng nhạc Jazz để làm mới những tác phẩm đã cũ liệu có tạo ra những so sánh bất lợi cho Quỳnh Anh, khi mà công chúng đã quá quen với những bản phối cũ?
- Nhạc Jazz những năm gần đây không còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Trước khi lựa chọn phong cách này, tôi cũng là một trong số những người nghe Jazz, thích Jazz. Có nhiều những ca sĩ hát Jazz nhưng chủ yếu hát bằng tiếng nước ngoài, tôi chợt nghĩ tại sao mình không hát bằng tiếng Việt, thứ tiếng thân thuộc nhất của mình, truyền tải những ca khúc Việt Nam theo một màu sắc mới? Jazz là lựa chọn nhiều thử thách nhưng khiến tôi cảm thấy thực sự tự do và thoải mái trong việc truyền tải cảm xúc của mình.
Các ca khúc Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác), Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Mùa xuân trên đỉnh bình yên (Từ Công Phụng), Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ) đều có sức sống mãnh liệt, chừng nào còn có người thể hiện. Ai bảo những "mùa xuân" của ngày trước sẽ không giống "mùa xuân" của ngày hôm nay, ai bảo một "Ngày về" của Hoàng Giác sáng tác năm 1947 chỉ là cho một đoàn tụ năm ấy? Âm nhạc làm được một điều lớn lao hơn cả, là nó vượt thời gian. Ai cũng có thể mượn âm nhạc (dù ở thời điểm nào) để nuôi dưỡng cảm xúc của mình.
Bỏ công việc của một giáo viên mầm non để ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội, bạn chắc hẳn đã gặp phải nhiều khó khăn. Hiện tại, cuộc sống của bạn đã có nhiều thay đổi?
- Đúng vậy, tôi từng gặp nhiều gian khó trong những ngày đầu ra Hà Nội. Đã có lúc tôi gọi về nhà cho mẹ và khóc, rồi nói hay con lại về quê. Thế nhưng, tôi đứng dậy ngay sau đó và không cho phép mình gục ngã. Con đường mình đã chọn, tôi sẽ tiếp tục đi và làm hết sức của mình.
Một vài năm trước, Quỳnh Anh từng thổ lộ rằng, ở tuổi 27, bạn vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai". Hiện tại, liệu điều đó đã thay đổi?
- Điều đó vẫn chưa thay đổi. Hiện tại, tôi vẫn dành toàn bộ thời gian và tâm trí để làm các dự án âm nhạc. Tạm thời, tôi chỉ yêu anh "Âm nhạc" thôi (Cười).
Nhiều nghệ sĩ cho rằng khi yêu, đau khổ vì yêu sẽ hát hay hơn. Quỳnh Anh có nghĩ việc chưa yêu nhiều khiến mình thiếu trải nghiệm để hát?
- Tôi không nghĩ như vậy, vì nghĩ thế khác nào tự nhận mình hát không hay (bởi tôi đã yêu đâu). Thật ra, cảm xúc là điều rất cần trong âm nhạc, và cảm xúc trong tình yêu lâu nay vẫn là hiện diện rất nhiều trong rất nhiều tác phẩm. Nhưng nếu được, tôi sẽ không chọn đau khổ và sẽ không để cảm xúc đau khổ đi vào những bài hát của mình. Tôi muốn được hát về niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi nhớ có một câu văn nổi tiếng của Haruki Murakami viết rằng: "Đau đớn là điều không tránh khỏi, đau khổ là tự nguyện". Tự nguyện tức là được lựa chọn, vậy cho nên tôi sẽ chọn niềm vui thay vì đau khổ, trong tình yêu hay âm nhạc cũng vậy.
Cảm ơn những chia sẻ của Quỳnh Anh!