Gần làng Uy Viễn có bến Giang Đình trên bờ sông Lam, là một trong “Nghi Xuân bát cảnh” - tám cảnh đẹp của Nghi Xuân, trên bến có khu chợ nổi tiếng với những đặc sản miền quê và cũng là nơi gặp gỡ của trai thanh nữ tú. Và một điều thú vị là trên con đường dẫn vào chợ, nơi ngã ba, có một mảnh đất nhỏ không hiểu sao mọi bàn chân đều không giẫm lên, đi vòng qua, nên chỗ đó cỏ xanh bốn mùa, những bụi cây nở hoa đẹp tươi và duyên dáng.
Một chiều xuân nọ, Nguyễn Công Trứ vừa thơ thẩn đến ngã ba đó thì thấy từ đằng xa một cô gái cũng đang đi lại. Chàng trai làm ra vẻ đang mê mải ngắm hoa, nhưng thực ra là câu giờ để đợi giai nhân đến. Biết tỏng chàng nho sinh kia là ai và vốn không lạ gì những mẹo vặt kiểu đó, nên khi đến gần cô gái mỉm cười đọc bâng quơ:
Có ai vô lý như thi sĩ; Hoa nở giữa đường cũng vấn vương.
Cô gái ấy vốn là một nghệ sĩ dân gian làng nghệ thuật Ca trù Cổ Đạm, tài sắc có thừa. Biết đã gặp “đối thủ” cao tay, chàng thi sĩ dù vô lý vẫn không hề bối rối, mà lại buông giọng ỡm ờ như nói với bông hoa ven đường:
Trời đà cho sắc cho hương; Hoa kia nỡ để gió sương đãi đằng.
Nghe vậy, cô gái tự biết mình đã gặp phải “kỳ phùng địch thủ” nên sau một phút lúng túng, nàng đã trả đòn ngoạn mục:
Sắc hương là của đất trời; Phận ai ai giữ, ai người phải lo!
Nói xong, không đợi chàng thi sĩ kịp đáp lời, cô gái đã nhẹ gót xa dần và không quên để lại cho chàng thi sĩ ở phía sau tiếng cười khúc khích...
Khi còn là một thanh niên, Nguyễn Công Trứ không chỉ là một người đa tình, mà ông còn là một cây bút hài hước vào bậc nhất thời đó. Chuyện xưa kể lại rằng, lúc hàn vi, Nguyễn Công Trứ có treo trong nhà một bức tranh vẽ cảnh buổi chiều tà, ngang trời là đàn chim vỗ cánh giăng giăng bay về núi, lại có một ngư ông ngồi bên cầu buông cần câu cá nhưng lại có dáng đang nghĩ ngợi điều gì. Chàng hàn sĩ họ Nguyễn làng Uy Viễn đề vào bức tranh ấy đôi câu thơ:
Chim bay về núi tối rồi; Sao không lo liệu còn ngồi chi đây.
Câu thơ như một sự tự nhắc nhở chàng Trứ dù vui thú yên hà cũng không quên sự nghiệp nam nhi cần lo liệu khi đời còn chưa quá muộn. Tuy nhiên, tương truyền khi hai câu thơ được đồn ra ngoài, có những kẻ quyền thế, biết chàng trai họ Nguyễn quả có tài lại ngang tàng, nên tâu về triều đình tìm cách thu dụng để khỏi ngại về sau. Bởi ngay từ khi còn là một đứa trẻ để chỏm, cái “hùng khí” ngất ngưởng đó đã được cậu bé Củng thể hiện qua những lời nói, bài thơ, đặc biệt là trong những vế đối hoặc lời thoại với mệnh quan triều đình và thậm chí là cả với nhà vua.
Chuyện kể lại rằng, khi còn để chỏm đi học, cậu đã vẽ một bức tranh con gà trống hùng dũng vươn cổ gáy đem dán ngoài cửa nhà và đề hai câu thơ vừa ngộ nghĩnh trẻ con vừa đầy khẩu khí:
Cộc cồ cô, cộc cồ cô; Nhà bay không dậy tau vô mổ giừ.
Nguyễn Công Trứ là một vị đại thần và là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Nguyễn. Với tư cách một nhà thơ thì điều đặc biệt trong con người Nguyễn Công Trứ là dù ở góc độ nào người ta cũng bắt gặp ở ông một điểm chung khái quát nhất, đó là thái độ ngông ngạo với cuộc đời. Không những thế, ông là một người của hành động và trải qua nhiều thăng trầm, nên Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Từ đó, ông luôn tỏ rõ thái độ khinh bỉ và ngán ngẩm nó: Thế thái nhân tình gớm chết thay; Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy. Hay: Tiền tài hai chữ son khuyên ngược; Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi. Hoặc: Ra trường danh lợi vinh liền nhục; Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Từ cuộc đời và sự nghiệp của ông cho thấy, cái ngông của Nguyễn Công Trứ nổi tiếng đến mức từ dân đen đến hoàng đế đều biết. Chính vì thế có lần nghe chuyện về ông, vua Minh Mạng đã gọi ông là "thằng cuồng". Thế nhưng cái sự ngông ấy của ông xuất phát từ sự trải nghiệm sâu sắc đời sống lam lũ, khổ nghèo của người nông dân, chứ không đơn thuần là một phút cao hứng trong thư phòng lộng lẫy của vương công quý tộc như một số người lầm tưởng. Và hậu thế mãi mãi về sau tôn kính, nể trọng ông ở cái bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ nhưng lại mang tính bình dân sâu sắc.