Dân Việt

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ vì tin "thợ dạo" trên mạng, vẫn có người… ngây thơ, ham rẻ

Diệu Linh 04/04/2023 07:20 GMT+7
Nghe theo lời quảng cáo trên mạng, lời mách của người quen, nhiều người đã liều mình đi làm đẹp để rồi bị tai biến nghiêm trọng, nhẹ thì mất tiền điều trị, nặng thì hỏng mắt, mặt biến dạng, thậm chí còn mất mạng.

Nát mũi, hỏng người vì bác sĩ thẩm mỹ trên "mạng xã hội"

 Mới đây, tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân (31 tuổi ở Tây Ninh) bị tai biến sau khi phẫu thuật nâng mũi vì bác sĩ trên "tiktok".

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên tiktok và thấy một tài khoản tự nhận là bác sĩ thẩm mỹ với hàng ngàn người theo dõi.

Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.

Vì tin tưởng nên bệnh nhân đã đến gặp để được nâng mũi với giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, mũi bệnh nhân bị sưng đen, hoại tử. Tại Bệnh viện, Hùng Vương bệnh nhân đã được phẫu thuật "làm sạch" mũi và chờ 3-6 tháng phục hồi.

Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân lại nghe lời quảng cáo, đến 1 spa để cấy chỉ nâng mũi. Kết quả mũi lại tiếp tục bị hủy hoại, viêm nhiễm, biến dạng. Sau khi nhặt 60 sợi chỉ từ mũi, các bác sĩ khó chắc chắn mũi bệnh nhân có thể trở lại bình thường.

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ vì tin "thợ dạo" trên mạng, vẫn có người… ngây thơ, ham rẻ - Ảnh 1.

"Chiếc bụng" toàn các u cục sau khi tiêm thuốc tan mỡ được cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh BVCC

Ngày càng có nhiều vụ tai biến thẫm mỹ cho làm đẹp giá rẻ qua lời quảng cáo, truyền miệng. Hầu hết các trường hợp tai biến thẩm mỹ sau khi nâng mũi, bơm môi, cắng da, cắt mí… đều được thực hiện tại các spa, thẩm mỹ viện không được phép, thậm chí được thực hiện bởi "thợ cắt tóc, gội đầu".

Trước đó, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bị áp xe nặng sau liệu trình tiêm tan mỡ.

Bệnh nhân nữ (49 tuổi ngụ tại quận Tân Bình) đến khám trong tình trạng vùng bụng, hông, đùi xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Bệnh nhân cho biết trước đó 2 tháng có xem quảng cáo trên Facebook và đến cơ sở thẩm mỹ ở quận 10 để tiêm tan mỡ.

Tại đây, chị được tư vấn chỉ mất 45 phút thực hiện tiêm tinh chất huỷ mỡ với giá tiền hơn 10 triệu đồng, chỉ sau 5-7 ngày mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết, lấy lại được vóc dáng thon gọn.

Tuy nhiên, sau tiêm 1 tuần thì vùng bụng, hông, đùi của bệnh nhân nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng. Quay lại cơ sở thẩm mỹ, chị được giới thiệu qua một phòng khám khác để chích thuốc, rạch các nốt viêm rút mủ nhưng ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, sưng, mưng mủ gây đau nhức...

Bệnh nhân sau đó quay lại cơ sở thẩm mỹ nhưng cơ sở này đã đóng cửa, không liên lạc được.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ.

Trước đó, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Bưu Điện) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 42 tuổi bị biến chứng sau khi tiêm filler nâng ngực. Bệnh nhân đã nghe theo người quen nên đi tiêm filler nâng ngực tại spa với giá 7 triệu đồng.

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ vì tin "thợ dạo" trên mạng, vẫn có người… ngây thơ, ham rẻ - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đã tiến hành rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị cho bệnh nhân biến chứng sau khi tiêm filler nâng ngực. Ảnh BSCC

Kết quả ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú mà nguyên nhân chính là do tiêm filler nâng ngực không rõ nguồn gốc.

Các bác sĩ đã cấp cứu, điều trị, tuy nhiên, sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc trong cơ thể vẫn còn filler nên tình trạng của bệnh vẫn tiến triển âm thầm từng đợt, phải điều trị nhiều lần, khuôn ngực biến dạng, để lại sẹo xấu co rút, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tâm lý và kinh tế của bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Bưu điện) bệnh nhân là bị áp xe đa ổ và viêm tại vị trí tiêm do trong quá trình tiêm filler ở spa mà bệnh nhân thực hiện nâng ngực không đảm bảo đúng kỹ thuật và không đảm bảo vô khuẩn.

Phẫu thuật thẩm mỹ phải thận trọng

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ, ông đã gặp khá nhiều các ca tai biến sau tiêm filler (chất làm đầy) để làm đẹp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nhiều ca khác tới cấp cứu chậm, bệnh nhân mù vĩnh viễn hoặc phải múc bỏ nhãn cầu để thay mắt giả suốt đời. Thậm chí có người liệt nửa người, có người phải bỏ mạng…

"Tôi quan sát đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ", PGS Hà cho biết. 

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ vì tin "thợ dạo" trên mạng, vẫn có người… ngây thơ, ham rẻ - Ảnh 3.

Một cô gái tiêm filler làm đầy đã suýt mù mắt được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC

Theo PGS Hà, tiêm filler để sống mũi cao lên là việc tưởng dễ mà khó. Người có chuyên môn có thể tiêm từng mũi nhỏ, vừa tiêm vừa nghe ngóng. Người không được đào tạo thường cố gắng "tống" cả một xilanh chất đó vào thật nhanh. 

"Do không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt. 

Nếu không được can thiệp thông tắc mạch nhanh chóng và đúng cách, bệnh nhân bị mù vĩnh viễn. Các biện pháp can thiệp trước đây chỉ là tiêm thuốc giải vào vùng da hoặc tổ chức ngoại vi xung quanh ổ mắt, kết quả rất hạn chế", PGS Hà nhân mạnh. 

Theo bác sĩ Hà, 5 năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, Việt Nam đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ "chui". Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện. 

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển cũng phải mất 12 tới 14 năm đào tạo mới hành nghề được.

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ vì tin "thợ dạo" trên mạng, vẫn có người… ngây thơ, ham rẻ - Ảnh 4.

Những tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng sau khi hút mỡ, cắt mí, tiêm filler làm đầy cằm, nâng mũi...

Khách hàng rất khó phân biệt được giữa các trung tâm, phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các "Viện thẩm mỹ" thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay.

"Giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Từ góc độ bác sĩ, tôi nhận thấy có ba chốt an toàn mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý.

Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ.

Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào không bao giờ thừa. Nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là chốt an toàn lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay", PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.